Đối thoại định kỳ, bảo đảm phúc lợi cho người lao động
Số vụ ngừng việc tập thể giảm mạnh
Hiện đang quản lý 187 công đoàn cơ sở (CĐCS), chủ yếu trong doanh nghiệp (DN) - lớn nhất tỉnh với hơn 134,2 nghìn đoàn viên, Công đoàn các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh luôn xác định việc giữ gìn mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định là nhiệm vụ quan trọng.
![]() |
Đại diện lãnh đạo LĐLĐ huyện Tân Yên và các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động tại các DN trên địa bàn. |
Thống kê từ năm 2016 đến nay, tại các KCN tỉnh xảy ra 36 vụ ngừng việc tập thể ở 32 DN. Từ phân tích nguyên nhân cho thấy, những tranh chấp lao động này hoàn toàn có thể giải quyết thỏa đáng nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, theo ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh, ngoài việc phân công cán bộ chuyên trách nắm tình hình theo địa bàn, đơn vị xây dựng mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội với gần 300 thành viên tham gia.
Hằng tháng, tại các cuộc giao ban, cộng tác viên cập nhật, phản ánh dư luận về tình hình đời sống, tư tưởng NLĐ. Từ đó, công đoàn cấp trên trao đổi, phối hợp cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết phù hợp để ổn định tình hình. Nhờ cách làm này mà trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các KCN tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ ngừng việc tập thể, không rơi vào thời điểm cuối năm và diễn ra trong thời gian ngắn; riêng từ đầu năm đến nay chưa phát sinh vụ ngừng việc tập thể.
Tại huyện Tân Yên hiện mới có 35/500 DN thành lập được tổ chức công đoàn. Do vậy, việc bảo vệ quyền, lợi ích và chăm lo đời sống NLĐ gặp nhiều khó khăn. Để từng bước khắc phục, LĐLĐ huyện chủ động đề xuất, ký chương trình phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội huyện theo giai đoạn.
Căn cứ tình hình cụ thể, công đoàn và các đơn vị tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về lao động tại DN, tập trung vào những DN có đông lao động và đã từng xảy ra ngừng việc tập thể. “Căn cứ kết quả kiểm tra, LĐLĐ huyện chỉ đạo cán bộ CĐCS đôn đốc DN khắc phục.
Đồng thời, tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất với chủ sử dụng lao động và công nhân, kịp thời nắm bắt, giải quyết mâu thuẫn”, ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết.
Xây dựng niềm tin với người lao động
Toàn tỉnh hiện có hơn 1,8 nghìn CĐCS với hơn 257 nghìn đoàn viên. Trong đó, có 651 CĐCS trong DN, thu hút hơn 206,8 nghìn đoàn viên tham gia. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngừng việc tập thể tại 6 DN có vốn đầu tư nước ngoài, giảm 12 vụ so với 3 năm trước đó.
Đây là tín hiệu tích cực, không chỉ khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn ngày càng được nâng lên mà còn thể hiện trách nhiệm của DN, bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho NLĐ. Khi đó, DN sẽ giữ chân được lao động lành nghề, cùng đơn vị vượt khó, phát triển.
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngừng việc tập thể tại 6 DN có vốn đầu tư nước ngoài, giảm 12 vụ so với 3 năm trước đó. |
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Luxshare - ICT (KCN Vân Trung, Việt Yên) Bùi Văn Trường chia sẻ: “Tháng 9/2020, sau khi chính thức hoạt động được 1 năm thì DN để xảy ra ngừng việc tập thể, NLĐ yêu cầu lãnh đạo DN xem xét điều chỉnh việc bố trí ca làm việc và chi trả chế độ làm thêm giờ; cách tính phép năm, trợ cấp nặng nhọc; cải thiện điều kiện khu vực vệ sinh.
Công nhân trở lại nhà máy sau 2 ngày ngừng việc nhưng những thiệt hại về tài chính do gián đoạn sản xuất ở thời điểm đó khiến lãnh đạo DN lo lắng. Vì vậy, với quy mô gần 30 nghìn lao động hiện nay, để ổn định quan hệ lao động, ngoài giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, CĐCS công ty đặc biệt chú trọng hoạt động đối thoại định kỳ trong DN”.
Trên cơ sở bám sát lịch sản xuất, Ban Chấp hành Công đoàn xây dựng kế hoạch đối thoại hằng quý phù hợp. Tại đây, đại diện lãnh đạo công ty, các phòng, ban gặp gỡ trực tiếp, trao đổi, giải đáp, có phương án giải quyết cụ thể, thỏa đáng những vấn đề mà công nhân đóng góp ý kiến.
Nhờ vậy, ngoài ổn định quan hệ lao động, đời sống của NLĐ công ty từng bước cải thiện với thu nhập bình quân của công nhân đạt 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài lương cơ bản, mỗi tháng, công nhân còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp như: Ăn ca, nhà ở, đi lại, chuyên cần, vượt năng suất…
Nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, không để phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp lao động, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Một thành viên Yamashita Việt Nam (Yên Dũng) thành lập 10 tổ “công nhân nòng cốt” tương ứng với từng tổ sản xuất, thành viên là những đoàn viên nhiệt tình, trách nhiệm. Đây chính là lực lượng tham gia phổ biến chính sách pháp luật, giúp NLĐ ổn định tư tưởng và yên tâm làm việc.
Đồng thời, nắm bắt nhanh nhất, cụ thể nhất dư luận trong công nhân, thông tin đến CĐCS để kiến nghị tới lãnh đạo DN. Đặc biệt, trong tổng số 400 lao động công ty, có đến 80% là nữ nên lãnh đạo luôn quan tâm đời sống chị em bằng nhiều hoạt động thiết thực.
Vào các ngày kỷ niệm 8/3, 20/10, DN trích kinh phí tặng quà, tổ chức gặp mặt, giao lưu văn hóa. Với lao động nữ có thai 6 tháng trở lên và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, DN áp dụng nhiều phúc lợi như: Làm việc 7 tiếng/ngày vẫn hưởng nguyên lương, có 15 phút nghỉ ngơi vào mỗi buổi sáng, chiều.
Để ổn định quan hệ lao động, hạn chế ngừng việc tập thể, điều quan trọng nhất vẫn là DN xây dựng niềm tin với NLĐ. Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, ngoài chấp hành nghiêm quy định pháp luật, DN chủ động quan tâm, cải thiện điều kiện làm việc, có thêm chính sách chăm lo, nâng cao đời sống cho NLĐ.
Khi đó, họ mới gắn bó lâu dài, sẵn sàng chia sẻ, đồng hành với DN vượt qua khó khăn. Phát huy vai trò của mình, các cấp công đoàn tập trung giám sát, phối hợp với cơ quan chức năng đồng cấp kiểm tra, kịp thời phát hiện sai phạm, đôn đốc khắc phục và đề nghị hình thức xử lý phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)