Đợi bình minh
Ban đầu là mấy nhà xóm chài, sau đó là vài nhà ít ruộng đất trong làng ra phá hoang trụ lại. Có nhà ông Sợi thuộc diện đặc biệt, nhà cửa chẳng còn, ông bà cháu chắt dắt díu nhau ra dựng tạm mấy gian nhà lá. Mùa lũ, xóm bị cô lập với ngôi làng trong đê.
Mùa cạn, xóm cũng trù phú rau cỏ, hoa màu như bất cứ ngôi làng nào, đường đi lối lại không có bê tông nhưng cũng thông thoáng. Dường như doi đất ngày càng nhô cao lên, xóm vững chãi hơn, rất nhiều cây trám đã có tuổi đời mấy chục năm. Người ta gọi nơi đây là xóm Trám.
![]() |
Minh họa: ĐINH HƯƠNG |
Ông Sợi và năm đứa cháu nội ngoại dậy sớm, ngồi sắp thành hàng dài sát mép nước ngóng ra sông, phía bình minh đang lên. Tóc mấy ông cháu sáng lấp lánh. Ở phía xa xôi kia có quá nhiều thứ mà lũ trẻ chưa hề biết. Ông Sợi thở dài, chỉ khao khát các cháu lớn lên có cuộc đời tốt đẹp hơn…
Vị khách của xóm đến sớm. Anh Lộc dắt xe đạp đi qua cái cầu nhỏ, đứng phía đầu dốc cất tiếng gọi lớn: - Bà con ơi, dậy chưa? Nay đến lịch tiêm phòng cho trẻ con đấy nhé.
Khách quen nên chó không sủa, mấy ông bà già thò đầu ra bảo: Chú Lộc xem thế nào, xin cho xóm bộ loa đài. “Để làm gì cụ ơi”. “Thì có việc gì trưởng xóm bắc loa lên nói cho dân biết, có phải tiện hơn không”? “Thế cái loa mọi khi đâu ạ”? “Hỏng rồi, mà tiện thì chú kiếm cho bọn trẻ con ít sách giáo khoa nữa, đi học thiếu lung tung cả”. “Vâng”.
Lần nào đến xóm, Lộc cũng được bà con giao cho mấy việc. Anh không khác gì người của xóm này, tuần qua vài bận. Lộc đi qua bãi trám, đến chỗ ông Sợi và các cháu đang ngồi.
- Chào ông ạ, mấy ông cháu đi câu sớm thế?
- Vâng, chào anh, anh có việc gì không? Lũ trẻ buồn nên cho đi câu anh ạ.
- Các cháu ổn cả chứ ông?
Lộc và ông Sợi ngồi bên gốc cây nói chuyện. Ông Sợi thở dài: “Lũ trẻ con xa bố mẹ cứ lơ ngơ như gà con, lúc đầu còn nói dối chúng được, giờ dân làng nói ra nói vào, bọn trẻ cũng biết, có đứa cũng buồn khóc, tủi thân.
Hôm qua, thằng bé học lớp 2 cũng hỏi, ông ơi đi tù là đi đâu, mẹ con buôn ma túy là buôn cái gì? Con có được đến gặp mẹ không… đấy anh ạ. Lộc im lặng gật đầu. Anh nói: “Ông cố gắng cho các cháu đi học, nhà trường miễn học phí, còn sách vở thiếu đâu cháu sẽ giúp”. Tội nghiệp lũ trẻ, 5 đứa trẻ con của ba cặp vợ chồng lầm lạc phải sống côi cút, cả nhà dựa vào sức lao động còm cõi của ông già 74 tuổi.
Nhiều đêm Lộc lại nghĩ đến lũ cháu nhà ông Sợi, sao có những phận đời thương tâm đến thế. Có bánh kẹo hay sách vở, đồ chơi gì, Lộc đều mang qua phát cho lũ nhóc xóm Trám. Bố mẹ Lộc đều là nhà giáo sống yên ổn, đạm bạc chốn quê.
Người đàn ông già nua ngồi trước mặt Lộc đây từng có cuộc đời lam lũ hiếm có, làm thuê từ bé, lấy vợ người trong làng rồi gây dựng cơ nghiệp bằng cách đi cày thuê. Bây giờ vẫn đi cày thuê lấy tiền nuôi các cháu. Bốn đứa con của ông Sợi sớm nghỉ học, đi buôn bán vặt khắp các chợ quanh vùng.
Họ đi tối ngày, lũ cháu dành cho ông bà nuôi. Vài năm gần đây, chẳng biết làm ăn thắng quả gì, vợ chồng con trai cả và cô con gái út xây nhà to nhất làng, sắm sửa toàn đồ đắt tiền. Bọn chúng cũng ăn diện, mua xe đẹp, đi vắng nhiều hơn, có hôm về giữa đêm rồi lại đi.
Vợ ông Sợi lo lắng hỏi chồng: “Hay nó buôn hàng quốc cấm hả ông”? Ông Sợi nhắc nhở và hỏi thì lũ con mắng bố té tát: “Ông già cứ nói liên thiên, bọn con làm mửa mật ra, thế ông bà không muốn con mở mặt ra với đời à”? Chúng mang về chất đầy nhà toàn quần áo đóng gói, giao cho hai cậu con trai thứ của ông Sợi cai quản, bán buôn, bán lẻ.
Khách đến mua quần áo hằng ngày đông, thấy toàn người lạ. Nếu không có đêm hãi hùng ấy, ông Sợi không bao giờ biết sự thật. Ông cũng không thể ngờ rằng, người trinh sát công an trẻ măng đó chính là Lộc, đang ngồi trước mặt ông đây. Không ngờ nhất là Lộc đã không khinh rẻ, coi thường mà trở thành ân nhân của gia đình ông.
Đêm cuối đông trời rét tái tê, mưa phùn dày đặc. Thi thoảng có tiếng chó sủa ủng oẳng phía bờ sông. Nhiều nhà ngủ sớm, chỉ còn lác đác những ô cửa còn sáng. Lộc - chiến sĩ công an trẻ nhận nhiệm vụ phá vụ án ma túy lớn theo chỉ đạo của cấp trên.
Nhờ những ngày làm công an xã, Lộc thông thạo địa bàn nên âm thầm chuẩn bị thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Theo tin tình báo, đêm nay, bọn tội phạm sẽ giao hàng tại nghĩa địa cách làng hơn một cây số, đối tượng chủ mưu là người địa phương nên sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Khu nghĩa địa có nhiều huyệt mộ vừa cải táng, những mảnh gỗ đầy đinh rải rác khắp nơi. Nếu không cẩn thận sẽ khó lòng phá án. Tổ công tác của Lộc bí mật đội mưa lúc trời vừa tối, nằm phục sẵn dưới mô đất. Lộc cố nhủ mình phải kiên nhẫn để làm nhiệm vụ.
Đã 11 giờ đêm vẫn im ắng, chưa thấy động tĩnh gì. Phải chờ đến gần 2 giờ sáng đối tượng khả nghi mới xuất hiện. Hai kẻ cao lớn nhảy vụt vào nghĩa địa, mấy ánh đèn pin chớp lên rồi tắt phụt. Lộc sững lại khi thấy hình như một phụ nữ vừa xuất hiện dưới ánh đèn. Vậy là ba chứ không phải hai người như dự tính ban đầu.
Ba đối tượng chụm lại, hiệu lệnh phát ra, tổ công tác lập tức vọt lên khống chế. “Tất cả đứng im, các anh đã bị bao vây” - tiếng hô đanh thép của Đội trưởng Chung vang lên. Ba kẻ vùng chạy. Đêm tối, mưa trơn, Lộc căng mắt tránh đòn và quật ngã đối tượng. Kẻ cùng đường chĩa súng về phía các đồng đội anh.
Lộc lấy hết sức giữ tên tội phạm. Hắn ta cao to và chống chọi đến cùng. Nghe vút một cái, Lộc né sang, đường kiếm của kẻ thủ ác bén bắp chân anh, máu tuôn ra. Các lực lượng trợ giúp đã có mặt. Ba tên tội phạm bị tóm gọn lên xe, tang vật thu được là số lượng lớn ma túy. Lộc được đưa đi bệnh viện.
Lúc này, nghe tiếng còi xe, dân làng mới ào ào chạy đến. Vợ chồng ông Sợi mặt thất thần quỳ sụp bên hàng rào: “Ối con ơi, ai mà nghĩ chúng mày làm việc thất đức thế, hai anh em mày về nhà nửa đêm tao tưởng thăm bố thăm mẹ, ai dè lại đi buôn ma túy, con ơi, ời”… Đến lúc này, ông Sợi mới hiểu, vì sao chúng nó cứ thì thụt đêm hôm, loáng cái đã mất hút.
Vụ án ma túy lớn nhất vùng đã được triệt phá. Trinh sát Lộc được tặng bằng khen, tiếp tục công tác tại địa phương, đảm nhận nhiệm vụ trưởng công an xã. Bốn đứa con ông Sợi mắc vòng lao lý, con trai cả và con gái út án tử hình, con dâu và con rể án chung thân. Hai ông bà già thẫn thờ, tóc bạc trắng như cước sau một đêm. Hai người con còn lại phải đi nơi khác kiếm sống.
Dân làng xót thay cho hai vợ chồng già hiền lành bỗng khốn khổ cùng cực. Ngày Thiếu tá Lộc ra viện, về lại trụ sở xã, rất nhiều người dân đến thăm hỏi. Có người đàn ông đội nón rách đứng ngoài hàng rào lén nhìn vào, đôi mắt cụp xuống. Lộc mời ông già vào nói chuyện riêng. Ông Sợi run run nhìn vào bắp chân của Lộc, miệng lắp bắp không thành tiếng, khuôn mặt khổ đau.
- Bác uống nước đi, cháu chia sẻ với bác về nỗi đau làm cha, song các con bác vi phạm pháp luật, chúng cháu không có cách nào khác.
- Vâng, tôi chỉ trách mình đã không dạy bảo chúng ra gì, giờ chúng sai thì phải gánh thôi, chỉ tội mấy đứa trẻ con. Ông Sợi nghẹn ngào, mắt ầng ậng nước.
- Bác có cần giúp gì không, giúp gì chúng cháu luôn sẵn lòng, bác cũng như bao người dân khác.
- Tôi bị mất hết nhà cửa rồi, chúng bị giam xong thì nhà cũng bị xiết nợ. Ai ngờ đâu chúng kiếm được tiền phi pháp rồi ăn chơi bạt mạng, đã cầm cố hết giấy tờ nhà đất, còn hai chái nhà bếp tôi làm ngày xưa đã dột nát, tôi tính chuyển ra ngoài soi trám ở, bà ấy đau ốm quá, thay đổi đi xem có đỡ không.
Một tuần sau đó thì ông Sợi được bà con lối xóm giúp chuyển nhà ra xóm Trám. Họ chỉ tiếc, giá mà ông bà Sợi biết can ngăn khi các con bỗng nhiên giàu có thì có khi đã khác. Mà bọn chúng đâu có coi người già là gì, làm ăn gì có bao giờ bàn bạc, thế nên lún vào vũng bùn bao giờ chẳng hay.
Mọi người trong xóm kháo nhau, chắc có anh Lộc lên tiếng nên có vài bạn thanh niên đã kiếm cây que, mái lá đến dựng nhà cho ông Sợi. Cũng có vài ý kiến bàn ra tán vào, có nhóm người đến gặp Lộc bày tỏ: “Giá kể ông Sợi là người có công với cách mạng cơ, đây con đi tù vì buôn ma túy mà cán bộ còn cho người đến giúp là sao?".
Anh Lộc trầm ngâm một lúc rồi mới từ tốn nói: “Các cô chú có thấy hoàn cảnh ông Sợi có thương tâm không? Các con tù tội vì phải tự gánh trách nhiệm việc mình làm đã đành nhưng còn mấy cháu bé kia có tội gì đâu. Người Việt mình vốn có truyền thống đùm bọc nhau, ai nỡ để con trẻ đói khát không có chỗ nằm, ông bà Sợi già yếu bệnh tật bị gánh tai ương ấy quá khốn khổ rồi, chúng ta giúp gì được cho họ thì nên giúp”.
Mọi người nghe ra, thầm khen người thiếu tá công an nhân hậu. Vùng này ai còn lạ gì anh Lộc, không có gia cảnh nào anh không biết, mọi chuyện bất đồng làng trên xóm dưới anh đều có mặt kịp thời giải quyết. Chẳng mấy ngày anh không đạp xe quanh xóm Trám khi thì mang cho bọn trẻ sách đọc, lúc mang cho các cụ bộ quân cờ.
Anh Lộc được mọi người yêu quý, có việc gì trong xã, anh là người được dân báo tin đầu tiên. Từ ngày anh làm trưởng công an xã, tình hình trong vùng yên ổn hơn, không còn xuất hiện trộm chó, mèo. Mấy đối tượng nghiện ma túy bị cưỡng chế đi cai nghiện, những kẻ buôn bán vận chuyển ma túy đã bị truy quét nhiều đợt, coi như tạm lắng. Có mấy đối tượng tình nghi người trong xã hầu như biệt tích, không thấy về địa phương.
Người dân cũng thấy không còn cảnh các phụ huynh chen chúc nhau đón con ở cổng trường tiểu học. Xã có hẳn một đội tình nguyện giữ trật tự công cộng thường xuyên đi nhắc nhở. Tuần trước, anh Lộc cùng với các đoàn viên trong xã bỏ một ngày lương và công sức ra xây cho trường cấp 2 một bể bơi, trẻ con tha hồ học bơi sau giờ học.
Hôm nay trường tiểu học đón đoàn công tác đến tặng quà học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Anh Lộc nhìn mấy đứa cháu ông Sợi đen đúa nhận quà từ thiện ở sân trường lòng gợn niềm đau xót. Những người lớn đã u mê vì tiền gây ra thảm cảnh cho lũ trẻ như thế này thật quá sức chịu đựng. Người xóm Trám bảo ông Sợi yếu rồi, chẳng còn đi cày thuê được nữa, quanh quẩn kiếm mớ tép ven sông làm thức ăn qua ngày.
Giữa đám trẻ có một cậu bé nhỏ thó, da trắng như con gái, yếu ớt. Ai hỏi gì cũng gật đầu, không nói. Đôi mắt thì buồn mênh mang.
Lộc đứng trước cánh đồng sắp vào mùa gặt, nhìn xa xăm. Lộc bỗng nghĩ đến khuôn mặt cậu bé ban nãy. Lộc quay lại trường học, lũ trẻ đã tan học, túa theo các lối ngõ. Cậu bé da trắng đứng ôm túi quà dựa vào cổng trường ngơ ngác.
- Chào cháu, cháu có về không chú đưa về - Lộc ân cần hỏi cậu bé. Nó im lặng. “Cháu ở với ai”- Lộc hỏi tiếp. Cậu bé òa khóc. Lộc dỗ dành một hồi lâu cho cậu bé nín khóc. Bà lão đi đón cháu người cùng xóm nói cho Lộc biết thằng bé vừa mất hết bố mẹ trong vụ tai nạn giao thông đầu năm nay, nó ở với nhà dì, nhưng dì cũng nghèo nên khổ. Dọc đường, Lộc tỉ tê nói chuyện. Một ý nghĩ vụt đến trong đầu anh.
Cả xã bất ngờ khi Thiếu tá Lộc đứng ra bảo trợ cho lũ trẻ con nghèo trong xã, chính bản thân anh sẽ lo chi phí ăn học cho cậu bé mồ côi và hai đứa cháu nhà ông Sợi - anh cũng huy động các nhà hảo tâm lập quỹ học bổng “Bình minh” để giúp đỡ những trẻ em không may mắn. Anh sẽ liên hệ với các mạnh thường quân để làm sao mang sách về cho trẻ em nơi này. Rồi ngày mai, chắc chắn cuộc đời những cô cậu bé kia sẽ khác. Bình minh luôn lên từ phía sông, trước mặt lũ trẻ.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương
Ý kiến bạn đọc (0)