Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại Sơn Động
Cùng dự có các ĐBQH: Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, huyện Sơn Động.
![]() |
Đồng chí Trần Văn Tuấn chủ trì buổi giám sát tại huyện Sơn Động. |
Từ ngày 1/3/2020, huyện Sơn Động sáp nhập 12 xã, thị trấn thành 6 đơn vị hành chính mới là: Xã Vĩnh An (xã Vĩnh Khương sáp nhập với xã An Lập); thị trấn An Châu (xã An Châu sáp nhập với thị trấn An Châu); xã Phúc Sơn (xã Thạch Sơn sáp nhập với xã Phúc Thắng); thị trấn Tây Yên Tử (xã Tuấn Mậu sáp nhập với thị trấn Thanh Sơn); xã Đại Sơn (xã Chiên Sơn sáp nhập với xã Quế Sơn); xã Tuấn Đạo (xã Bồng Am sáp nhập với xã Tuấn Đạo); giảm 6 đơn vị hành chính so với trước đây. Việc sắp xếp bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. Hiện huyện có 17 xã, thị trấn, trong đó xã Đại Sơn và thị trấn Tây Yên Tử chưa bảo đảm tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích theo quy định sau sáp nhập.
![]() |
Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị huyện làm rõ việc sử dụng các trụ sở làm việc dôi dư sau sáp nhập. |
Ngoài ra, huyện đã ghép 99 thôn, tổ dân phố thành 46 thôn, tổ dân phố mới; giảm 53 thôn, tổ dân phố. Qua đó, bộ máy các cấp từng bước được tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Công tác huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở cộng đồng dân cư có nhiều thuận lợi.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nêu: Trước khi sáp nhập, tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể về phương án bố trí cán bộ. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách được sắp xếp còn ít. Huyện cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.
Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Thị Sơn, Trưởng Phòng Nội vụ huyện cho biết: Huyện Sơn Động cùng lúc phải sắp xếp đội ngũ cán bộ sau sáp nhập, cán bộ khuyến nông, thú y, công an chính quy về cơ sở, Đề án 500 trí thức trẻ.... nên số lượng cán bộ dôi dư nhiều. Để bố trí, huyện đã dừng tuyển dụng mới; thực hiện phương án điều động cán bộ từ nơi thừa sang các xã thiếu; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ nghỉ hưu trước tuổi.
Tuy nhiên, khoảng cách từ các xã sáp nhập đến trung tâm huyện xa nên phương án trưng tập, biệt phái lên các cơ quan chuyên môn khó thực hiện. Do vậy, số cán bộ được bố trí ít, hiện toàn huyện còn 141 trường hợp dôi dư chưa được sắp xếp. Để từng bước khắc phục khó khăn trên, huyện đã xây dựng đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để làm căn cứ thực hiện tinh giản biên chế trong thời gian tới.
Trao đổi tại buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Lâm và một số đại biểu đề nghị huyện quan tâm làm rõ một số vấn đề sau sáp nhập như: Công tác tài chính; việc sử dụng trụ sở ở các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập; quản lý tài nguyên môi trường; tổ chức hệ thống trường học.
![]() |
Đồng chí Hoàng Văn Trọng tiếp thu các ý kiến trao đổi tại buổi giám sát. |
Tiếp thu các ý kiến trao đổi của đoàn giám sát, đồng chí Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động kiến nghị Trung ương không thực hiện sắp xếp tiếp đối với các đơn vị hành chính đã sáp nhập song vẫn chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Cho phép kéo dài thời gian bố trí cán bộ, công chức dôi dư đến năm 2030. Giai đoạn 2022-2030, huyện không đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
![]() |
Đồng chí Trần Văn Tuấn phát biểu kết luận. |
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Tuấn đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 tại huyện Sơn Động. Quá trình thực hiện đúng quy trình, bảo đảm tiến độ đề ra; bộ máy chính quyền hoạt động ổn định. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân song sau sắp xếp, huyện vẫn còn nhiều đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chí theo quy định về quy mô dân số, diện tích.
![]() |
Các đại biểu kiểm tra việc sử dụng cơ sở vật chất sau sáp nhập tại xã Đại Sơn. |
Đồng chí đề nghị lãnh đạo huyện Sơn Động chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động ổn định. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu, kế hoạch; quan tâm công tác đầu tư quy hoạch, phát triển hạ tầng, đặc biệt là hai thị trấn: An Châu và Tây Yên Tử để từng bước đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã, thị trấn sau sáp nhập; quản lý tốt công tác đất đai, dân số, bảo đảm an ninh trật tự; bố trí hợp lý để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí cơ sở vật chất trụ sở UBND, trạm y tế, trường học ở các địa bàn sáp nhập. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân chấp hành nghiêm chính sách pháp luật, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn.
Tin, ảnh: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)