Diễn biến Covid-19 tới 6 giờ sáng 17/7: Brazil vượt 2 triệu ca bệnh, Ấn Độ vượt 1 triệu ca
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 233.000 ca mắc Covid-19 và trên 5.300 ca tử vong.
![]() |
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện ở Niteroi, Rio de Janeiro, Brazil ngày 22/6. |
Ba nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua là Mỹ (trên 64.000 ca), Brazil (trên 41.000 ca) và Ấn Độ (trên 35.000 ca).
Về số ca tử vong, trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận nhiều người chết nhất (1.165 ca), tiếp đó là Mỹ (813 ca) và Ấn Độ (680 ca).
Trong nhiều ngày qua, Mỹ, Brazil và Ấn Độ luôn là ba nước có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới xét cả về số ca mắc và ca tử vong. Tính tới 6 giờ sáng 17/7 (giờ Việt Nam), Brazil đã vượt mốc 2 triệu ca bệnh, còn Ấn Độ vượt mốc 1 triệu ca, còn Mỹ đã vượt mốc 3 triệu ca từ nhiều ngày trước.
Tổng thống Brazil vẫn dương tính với SARS-CoV-2
![]() |
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tới dự một hội nghị cấp Bộ trưởng ở Brasilia ngày 12/5. |
Phát biểu với phóng viên tại thủ đô Brasilia, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết một lần nữa ông đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, một tuần sau khi ông thông báo mắc căn bệnh này. Ông cho hay sẽ xét nghiệm lần nữa trong vài ngày tới.
Trước đó cùng ngày, đài CNN tiếng Brazil đã đưa tin về kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 của Tổng thống Bolsonaro.
Tính tới 6 giờ sáng 17/6, tổng số ca bệnh ở Brazil đã vượt mốc 2 triệu, trong đó có trên 76.000 ca tử vong.
Ấn Độ vượt 1 triệu ca mắc
![]() |
Chuyển bệnh nhân nghi mắc Covid-19 vào một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 10/7. |
Ấn Độ đã ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục, ở mức 35.468 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên trên 1 triệu ca, trong đó có 24.609 ca tử vong.
Cho đến nay Ấn Độ có 612.814 bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, với tỷ lệ hồi phục tăng lên đến 63,24%. Ấn Độ khẳng định việc đẩy mạnh xét nghiệm, chẩn đoán kịp thời và quản lý hiệu quả bệnh nhân thông qua cách ly tại nhà có giám sát hoặc chăm sóc y tế tích cực tại bệnh viện đã giúp tỷ lệ phục hồi tăng mạnh, vượt xa số ca mắc bệnh. Ngoài ra, các quy chuẩn cách ly tại nhà kết hợp với sử dụng máy đo oxy đã giúp theo dõi các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, từ đó giảm áp lực đối với cơ sở hạ tầng y tế.
Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng y tế ở Ấn Độ để điều trị bệnh nhân Covid-19 bao gồm 1.378 bệnh viện chuyên dụng, 3.077 trung tâm y tế chuyên dụng và 1.0351 trung tâm chăm sóc sức khỏe. Các cơ sở này được trang bị 21.738 máy thở, 46.487 giường hồi sức tích cực và 165.361 giường hỗ trợ thở oxy.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)