Dịch vụ Mobile-Money: Kích cầu không dùng tiền mặt
Nhiều ưu đãi từ nhà mạng
Tại Bắc Giang, ba doanh nghiệp (DN) được triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money gồm: VNPT Bắc Giang, MobiFone Bắc Giang, Viettel Bắc Giang. Đây là dịch vụ ứng dụng trên nền tảng công nghệ cao; cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông thực hiện nhiều giao dịch như: Thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp, rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch của VNPT, MobiFone và Viettel mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, smartphone và kết nối Internet. Thời gian thực hiện thí điểm trong 2 năm, kể từ ngày 18/11/2021 đến hết 18/11/2023 với hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản.
![]() |
Nhân viên VNPT Bắc Giang hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng dịch vụ Mobile-Money. |
Thời điểm này, VNPT Bắc Giang đang tập trung cao thực hiện dịch vụ. Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Bắc Giang, hiện tại người sử dụng Mobile-Money qua mạng Vinaphone có thể nạp, rút, chuyển tiền tại các điểm giao dịch trên toàn tỉnh cũng như khắp 63 tỉnh, TP. VNPT Bắc Giang phấn đấu sẽ phủ điểm kinh doanh Mobile-Money đến từng thôn, xóm. Đơn vị xây dựng điểm kinh doanh Mobile-Money như một ngân hàng thu nhỏ, giúp người sử dụng dễ dàng nạp, rút, chuyển tiền. VNPT Bắc Giang cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ. Tính từ ngày 28/11 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 5 nghìn thuê bao Vinaphone cài đặt ứng dụng này. Đơn vị đang áp dụng ưu đãi miễn phí tất cả các giao dịch nạp, rút, thanh toán, chuyển tiền qua dịch vụ Mobile- Money.
Viettel Bắc Giang hiện có hơn 1,2 triệu thuê bao di động. Đơn vị đang xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ thanh toán số cho toàn bộ số thuê bao này. Đại diện lãnh Viettel Bắc Giang chia sẻ, đơn vị áp dụng công nghệ bảo mật ở mức độ cao nhất, bảo đảm kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ. Trong đó có công nghệ tự động nhận diện các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng. Viettel còn áp dụng chương trình khuyến mại khi khách hàng cài đặt mới được tặng 100 nghìn đồng/tài khoản; mỗi lần phát sinh giao dịch được cộng từ 1 đến 3 nghìn đồng. Đơn vị đã xây dựng được gần 1,5 nghìn điểm đại lý nạp, rút tiền trên phạm vi toàn tỉnh. 230 nhân viên bán hàng đến từng thôn, bản phát triển dịch vụ; xây dựng đội ngũ quản trị theo dõi 24/24 giờ về chất lượng sản phẩm. Với cách làm này, Viettel đã có hơn 40 nghìn thuê bao đăng ký tham gia với tổng số tiền giao dịch hơn 300 tỷ đồng.
Cùng với hai nhà mạng trên, MobiFone Bắc Giang cũng đang chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch, biện pháp ứng dụng Mobile-Money. Dự kiến trong tháng 1/2022, MobiFone bắt đầu thực hiện chương trình này.
Đẩy mạnh thanh toán số
Theo đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT), việc đẩy mạnh sử dụng ứng Mobile-Money là phù hợp với xu thế của thế giới và Việt Nam về thương mại điện tử. Cách thức đăng ký, hình thức sử dụng ứng dụng này đơn giản, thuận tiện, giúp người dân tiết kiệm cả thời gian, chi phí đi lại, nhất là đối với khách hàng ở vùng sâu, vùng xa khi thực hiện thanh toán, chuyển tiền có giá trị nhỏ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 45 nghìn tài khoản Mobile-Money thuộc nhà mạng VNPT và Viettel. Được biết, so với tổng số khoảng 1,8 triệu thuê bao di động đang hoạt động thì kết quả chưa cao. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện dịch vụ này đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, nhất là bà con ở vùng nông thôn, đối tượng chưa có tài khoản giao dịch trong ngân hàng.
Khách hàng khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ Mobile-Money cần liên hệ hoặc tới trung tâm kinh doanh của nhà mạng mình sử dụng để được hướng dẫn đăng ký tài khoản. Khách hàng cần đáp ứng các điều kiện sau: Khách hàng cá nhân cung cấp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được nhà mạng định danh, xác thực theo các quy định về đăng ký thuê bao di động. Số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất ba tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở, sử dụng dịch vụ Mobile-Money. |
Để triển khai hiệu quả ứng dụng, ngay sau khi có văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, DN vào cuộc. Trong đó, yêu cầu DN thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money phải tuân thủ đầy đủ các quy định. Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, DN, UBND các huyện, TP phối hợp với đơn vị liên quan đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ thanh toán điện tử, nhất là dịch vụ Mobile-Money tại bộ phận một cửa. Sở TTTT chỉ đạo, quản lý, giám sát các hoạt động của DN thực hiện thí điểm và điểm kinh doanh trên địa bàn; hướng dẫn giải đáp vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh.
Được biết, bên cạnh những thuận lợi, lợi ích của dịch vụ mang lại, hiện nay việc thực hiện giao dịch Mobile-Money vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do đối tượng tiếp cận của dịch vụ chủ yếu là người dân nông thôn. Trong khi đó, người dân có thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt, thiếu phương tiện. Mobile-Money là một dịch vụ tài chính số mới nên người dân ngại tiếp cận vì sợ rủi ro, không an toàn trong sử dụng.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng Phòng Bưu chính Viễn thông (Sở TTTT) được biết, Bắc Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ tạo tài khoản thanh toán điện tử cho toàn bộ người dân có nhu cầu, đủ điều kiện. Thời gian tới, các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về thanh toán không dùng tiền mặt. Tăng cường tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.
Đại diện phía các nhà mạng cũng kiến nghị các cấp chính quyền chỉ đạo một số đơn vị kinh doanh thuộc lĩnh vực như: Điện lực, nước sạch, bảo hiểm… cùng vào cuộc để chuyển đổi hình thức thanh toán từ tiền mặt sang thanh toán số.
Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)