Đi lễ không quên phòng dịch
Không tổ chức lễ hội nhưng ngay từ những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, Bắc Giang đã cho mở cửa tất cả chùa, đình, đền ở các địa phương để người dân đến chiêm bái, vãn cảnh. Đa phần người dân khi đi lễ chùa đều có ý thức phòng, chống dịch song do mật độ người đến đông, ở một số nơi như chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), đền Xương Giang (TP Bắc Giang)… có ngày đã quá tải, không ít người chủ quan, lơ là, bỏ qua 5K, nguy cơ lây lan dịch cao.
Có thể thấy việc thực hành tín ngưỡng là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân cần được tôn trọng. Tuy nhiên, nhìn vào số ca nhiễm Covid mấy ngày qua liên tục tăng, có ngày riêng Bắc Giang đã lên gần 500 trường hợp thì mỗi người rất cần cân nhắc, điều chỉnh hành vi, thói quen của mình vì lợi ích, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
Một số tỉnh, TP như Bắc Ninh, Hà Nội… trước tình hình người dân đi lễ chùa quá tải đã tạm thời đóng cửa một số đền, chùa để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) thông báo tạm đóng cửa từ ngày mùng 5 Tết cho đến khi có thông báo mới; Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Hương cũng chưa mở cửa trở lại, từ trong Tết.
Chủ trương trong phòng, chống dịch của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, tăng cường kiểm soát rủi ro. Điều này đòi hỏi sự chủ động, tự giác và ý thức của mỗi tổ chức, cá nhân. Trong điều kiện bình thường mới, người dân khi đi lễ cần nâng cao cảnh giác hơn.
Càng chỗ đông người càng cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang y tế đúng cách, hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi, giữ ấm cơ thể, rửa tay, súc miệng thường xuyên... Hoặc thay vì đi lễ đầu năm có thể cân nhắc lựa chọn thời điểm khác trong năm để hành lễ, tránh tụ tập đông người; thay vì cả đại gia đình đi lễ, nay chỉ cần một người đại diện…
Về phía chính quyền, Ban quản lý lễ hội, khu du lịch tâm linh… khi mở cửa cần thực hiện đúng theo các quy định phòng, chống dịch như: Đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách... Căn cứ tình hình dịch ở địa phương và lượng khách, có thể có các giải pháp phân luồng tiếp nhận du khách theo số lượng nhất định, thậm chí quyết định dừng, đóng cửa cơ sở. Thực tế một số nơi thời gian qua đã có cách làm sáng tạo như cầu nguyện trực tuyến để đáp ứng nhu cầu tâm linh.
Đang là những ngày tháng Giêng, tháng của hội hè, tháng đi lễ chùa, dâng sao, giải hạn. Nhưng đi lễ mà chen chân, mà nườm nượp dòng người, khói hương nghi ngút, không an toàn phòng dịch thì rất cần thay đổi lại thói quen này. Bởi suy cho cùng, đi lễ là cầu bình an, mà an cần ngay ở trong tâm, từ việc giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh ngay cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng .
Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc (0)