Đề xuất toà án thực hiện toàn bộ trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại đối với các hành vi hành chính
Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm 8 chương và 98 điều, trong đó bổ sung 18 điều so với luật hiện hành.
Nội dung chính là sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng, bảo đảm khen thưởng chính xác, không trùng lặp, chồng chéo; chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp. Nhìn chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhất trí với nội dung dự thảo, đồng thời đóng góp một số nội dung đề nghị Quốc hội xem xét.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Văn Thi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). |
Ở Điều 26 quy định một trong ba tiêu chí để được xét công nhận “xã tiêu biểu” là xã phải đạt chuẩn nông thôn mới, theo đại biểu Nguyễn Văn Thi, tiêu chí này khi áp dụng đối với các xã biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, việc đạt chuẩn nông thôn mới rất khó.
Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét có tiêu chí phù hợp hơn, ví như tiêu chí về đại đoàn kết toàn dân tộc áp dụng đối với xã thuộc vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; xã biên giới, hải đảo là tiêu chí giữ gìn, bảo vệ an ninh biên giới.
Ở Điều 91 về "Quỹ thi đua, khen thưởng", khoản 4 quy định “Nghiêm cấm sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng vào mục đích khác”; Điều 12 cũng quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm”. Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị Quốc hội nghiên cứu xác định chính xác nội hàm của quy định này là nguyên tắc hay hành vi bị cấm để chỉnh sửa chuyển nội dung này vào Điều 12 bảo đảm tính thống nhất.
Ngoài ra, dự thảo luật còn nhiều điều khoản giao cho Chính phủ, bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể chi tiết (42 điều khoản), đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể trong luật để tránh phát sinh nhiều văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết làm cồng kềnh thêm hệ thống văn bản.
![]() |
Quang cảnh thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Bắc Giang. |
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều; kế thừa hợp lý các quy định hiện hành; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, trong đó tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim, xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim.
Ở Điều 11 về Quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Phương án 2: Giữ nguyên quy định của Luật hiện hành bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim. Các ĐBQH tỉnh Bắc Giang thảo luận nhất trí với phương án 2.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
![]() |
Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận trực tuyến về công tác phòng, chống tham nhũng. |
Về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Trần Văn Tuấn phân tích: Thời gian qua, mặc dù công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KTTC) luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện song tình trạng đơn thư KNTC vẫn phức tạp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do sự bất cập ngay trong quy định về trách nhiệm và trình tự giải quyết KNTC, nhất là giải quyết khiếu nại. Theo quy định của Luật Khiếu nại hiện hành, người khiếu nại được chọn cơ quan hành chính hoặc tòa án để khiếu nại đối với các hành vi hành chính.
Tuy nhiên, trên thực tế, những khiếu nại chủ yếu được gửi đến cơ quan hành chính xem xét giải quyết; các vụ việc đưa ra toà án hành chính giải quyết không nhiều. Cơ bản các khiếu nại đối với hành vi hành chính, cơ quan hành chính lại do chính các cơ quan hành chính giải quyết. Điều này không tránh khỏi sự thiếu khách quan, thiếu nghiêm túc, đùn đẩy, chậm trễ trong giải quyết; dẫn tới nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, vượt cấp, kéo dài, thậm chí trở thành những điểm nóng, gây bức xúc trong xã hội.
Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Quốc hội cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, nhất là Luật Khiếu nại theo hướng: Giao cho toà án các cấp thực hiện toàn bộ trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại đối với các hành vi hành chính (yêu cầu giải quyết khiếu nại chỉ thông qua con đường duy nhất là theo trình tự, thủ tục tố tụng hành chính). Các cơ quan hành chính vẫn thực hiện trách nhiệm giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật hiện hành; nếu có khiếu nại đối với quyết định giải quyết tố cáo của cơ quan hành chính, thì việc giải quyết khiếu nại đó do tòa án thực hiện.
![]() |
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. |
Thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhất trí về sự cần thiết của việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đại biểu dẫn chứng đợt dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh Bắc Giang vừa qua, ngành Tòa án cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, các hoạt động xét xử đã phải dừng lại. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh Bắc Giang đã tích cực chỉ đạo các cơ quan tư pháp tổ chức thực hiện các hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động xét xử.
Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến đến 11 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là phiên tòa trực tuyến đầu tiên được tỉnh tổ chức, kết quả thành công tốt đẹp, đáp ứng được mục đích, yêu cầu đặt ra, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Theo đại biểu, để tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến thì việc bảo đảm nền tảng và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là hết sức quan trọng.
Do đó, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo thực hiện triển khai Đề án số hóa hồ sơ các vụ án hình sự và trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa theo tinh thần CCTP giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu tỉnh Bắc Giang đặt ra từ nay đến năm 2025 sẽ thực hiện số hóa 100% số hồ sơ các vụ án hình sự để trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa và lưu trữ hồ sơ số.
![]() |
Đại biểu một số sở, ngành, cơ quan dự buổi thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Bắc Giang. |
Tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện nghị quyết của các cơ quan, trong đó có giao Tòa án nhân dân Tối cao chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an quy định chi tiết Nghị quyết này là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị Toà án nhân dân Tối cao rà soát thêm nội dung của dự thảo thông tư liên tịch để bảo đảm nội dung của thông tư này chi tiết, cụ thể hóa nhưng phải thống nhất với Nghị quyết, nhất là về phạm vi phiên tòa xét xử trực tuyến.
Tin, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)