Đề xuất giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang
Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản:
Vải thiều Việt Nam ngon nhất trong các loại vải tại Nhật Bản
![]() |
Ông Vũ Hồng Nam. |
Năm 2021 là năm thứ hai quả vải Bắc Giang xâm nhập thị trường Nhật Bản, dự kiến số lượng vải thiều của Việt Nam vào Nhật Bản sẽ lớn hơn năm 2020 vì nhiều công ty tại Nhật Bản đăng ký nhập khẩu vải thiều của Việt Nam tăng lên gấp nhiều lần.
Mặc dù thị trường Nhật Bản có nguồn vải thiều nhập từ các nước, vùng lãnh thổ khác song với hương vị đặc biệt của vải thiều Việt Nam, trong đó có Bắc Giang đã đưa quả vải Việt Nam trở thành loại vải ngon nhất tại thị trường Nhật Bản, được người dân đón chờ. Hiện nay, người dân Nhật Bản mong ngóng quả vải Bắc Giang sang sớm hơn, nhiều hơn để đến được các vùng, miền của đất nước.
Để quảng bá, hỗ trợ vải thiều tiêu thụ thuận lợi tại thị trường Nhật Bản, Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Tokyo phối hợp với một số đơn vị, DN của Nhật Bản tổ chức giới thiệu quả vải Việt Nam tới người tiêu dùng ở siêu thị, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27/6 tới tại siêu thị EON trên toàn Nhật Bản.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty VinCommerce:
Cam kết bán vải Bắc Giang tại 2.500 điểm của hệ thống
![]() |
Bà Nguyễn Thị Phương. |
Hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+ thường xuyên tổ chức các tuần lễ đặc sản của nhiều địa phương, trong đó có vải thiều Bắc Giang.
Tỉnh Bắc Giang có nhiều đặc sản nổi tiếng chất lượng cao; vị trí địa lý, giao thông đồng bộ, thuận lợi cho quá trình giao thương, cung ứng hàng hóa với chuỗi hàng hóa bán lẻ, hiện đại của VinMart/VinMart+ trên phạm vi toàn quốc.
Với những lợi thế đó, vụ vải thiều năm nay, Công ty VinCommerce cam kết chung tay với bà con Bắc Giang, đồng hành, hỗ trợ tăng cường thu mua trái vải Lục Ngạn tại 2.500 điểm bán của VinMart/VinMart+ trên toàn quốc.
Đặc biệt, ngoài mua trực tiếp vải thiều tại hệ thống cửa hàng và siêu thị VinMart/VinMart+ trên toàn quốc, khách hàng có thể mua sản phẩm này tại gian hàng VinMart trên trang thương mại điện tử Lazada. Toàn bộ nguồn hàng sẽ được thu mua, bảo quản, đóng gói theo quy trình nghiêm ngặt tại kho hàng nông sản tại VinMart/VinMart+.
Ông Đậu Tích Lâm, đại diện Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc):
Tăng cường đàm phán, hợp tác DN hai nước
![]() |
Ông Đậu Tích Lâm (giữa) phát biểu tại hội nghị. |
Vải và các mặt hàng nông sản khác là hàng hóa quan trọng trong thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam. Những năm gần đây, Quảng Tây và Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm vải, nhãn, thanh long, măng cụt…, qua đó thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai chiều không ngừng tăng lên.
Để tiếp tục thúc đẩy thương mại mậu dịch giữa có bước phát triển mới, tôi kiến nghị cần tăng cường trao đổi, nâng cao cả chiều rộng và chiều sâu hợp tác thương mại; tìm kiếm cơ hội, không ngừng mở rộng quy mô hợp tác song phương.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp, việc mở hội nghị thương mại trực tuyến như thế này không dễ nên DN hai bên cần trân trọng cơ hội, có kế hoạch triển lãm, xúc tiến thương mại sản phẩm; tranh thủ thời gian đàm phán, tìm kiếm cơ hội hợp tác ở nhiều tầng, nhiều lĩnh vực, cố gắng có được đơn hàng, mở rộng quy mô; nâng cao lợi ích DN hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Nhằm giảm tải sự ách tắc tại cửa khẩu, giảm giá thành cho DN, tôi đề nghị nhanh chóng tăng sức chứa của bãi tập kết hàng tại Cửa khẩu Hữu Nghị; tăng số lượng tài xế Việt Nam để hàng hóa thông quan nhanh nhất.
Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viettel Post: Đồng hành cùng người dân bán vải trên sàn thương mại điện tử
![]() |
Ông Trần Trung Hưng |
Từ đầu vụ vải đến nay, chúng tôi phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương) triển khai đồng loạt các gian bán hàng trực tuyến trên các sàn giao dịch điện tử.
Chúng tôi cũng đồng hành với bà con nông dân tại vườn và các kênh bán hàng trực tuyến. Cụ thể, chủ nhân kênh Voso.vn, Postmart.vn đã trực tiếp đào tạo cho bà con đăng ký sản phẩm đặc sản của mình lên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, nông sản của người dân không phụ thuộc vào tư thương mà được bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Tính đến ngày 6/6, các sàn giao dịch điện tử đã bán được hơn 800 tấn vải, đưa 739 hộ bán hàng lên sàn thương mại trực tuyến. Với sự chung tay của các doanh nghiệp, chúng tôi cam kết tiêu thụ từ 9-10 nghìn tấn nông sản của Việt Nam trong năm nay.
Trịnh Lan - Thế Đại (ghi)
Ý kiến bạn đọc (0)