ĐBQH tỉnh Bắc Giang thảo luận về bảo vệ môi trường nước dưới đất
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 175 điều. Góp ý vào Điều 10 về Bảo vệ môi trường nước dưới đất, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, đối với nước mặt, luật pháp đã chú trọng bảo vệ. Tại Chương II, mục I về bảo vệ môi trường nước trong Dự thảo đã dành hẳn Điều 7, 8, 9 quy định rất đầy đủ, làm rõ từ những quy định chung tới các hoạt động cụ thể bảo vệ môi trường nước mặt, yêu cầu có các kế hoạch, biện pháp quản lý nhà nước đối với nguồn nước mặt.
![]() |
Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu tham luận Điều 10 về bảo vệ môi trường nước dưới đất. |
Tuy nhiên, đối với nước ngầm, Dự thảo Luật chỉ có Điều 10 với 8 khoản ngắn gọn về bảo vệ nguồn nước ngầm với các giải pháp chưa thật sự mạnh mẽ, ít hiệu quả trong thực tiễn.
Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị nội dung về bảo vệ môi trường nước ngầm ở Điều 10 cũng phải được làm sâu sắc, cụ thể toàn diện như các vấn đề về bảo vệ môi trường nước mặt quy định tại các Điều 7,8,9, không chỉ nói bảo vệ một cách chung chung mà cần chi tiết hơn về các nhiệm vụ, giải pháp cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành về vấn đề môi trường nước ngầm ở nước ta.
![]() |
Đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang. |
Đại biểu đề nghị nội dung Dự thảo cần đề cập đến các giải pháp như: Đầu tư nghiên cứu khoa học; khảo sát, đánh giá trữ lượng; xây dựng hệ thống quan trắc; theo dõi chất lượng; đánh giá các nguồn nguy cơ gây ô nhiễm; quy hoạch các vị trí khai thác; hạn mức khai thác, kể cả các giải pháp công nghệ hiện đại…
Cùng đó, thúc đẩy việc nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch, quy hoạch bài bản, dài hạn; dành nguồn kinh phí đầu tư và nguồn lực quản lý thích đáng cho nhiệm vụ này. Có như vậy nguồn tài nguyên nước ngọt vô cùng hạn hẹp, quý giá mới có thể được bảo vệ, khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả phục vụ cho việc phát triển bền vững, lâu dài của đất nước.
Ý kiến bạn đọc (0)