Đẩy nhanh tiến độ cho vay khôi phục sản xuất do tác động bởi dịch Covid-19
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. |
Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Hà Quốc Quân, Giám đốc NHCSXH tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Theo NHCSXH Việt Nam, 10 tháng qua, cả nước giải ngân 68.191 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng chính sách; 750 tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) để chi trả cho lao động dừng việc và phục hồi sản xuất.
Tại Bắc Giang, đến ngày 8/11 đã giải ngân cho 72 chủ sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho 96.347 lượt người lao động với số tiền hơn 300 tỷ đồng. Trong đó, 54 DN vay vốn trả lương 3 tháng, 9 DN vay vốn trả lương 2 tháng, 9 DN vay vốn trả lương 1 tháng; có 25.641 lao động được trả lương 3 tháng, 7.436 lao động được trả lương 2 tháng, 4.552 lao động được trả lương 1 tháng.
Dù đạt được một số kết quả song việc triển khai chính sách tại Bắc Giang cũng như nhiều địa phương trong cả nước gặp nhiều khó khăn.
Thảo luận tại hội nghị, một số ý kiến nêu, khi cho vay trả lương người lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng rất khó cung cấp được thông báo quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020 theo quy định.
Mặt khác, theo Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các cơ sở sản xuất đều được phép hoạt động khi có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch (PCD). Thế nhưng, để bảo đảm PCD, một số địa bàn áp dụng biện pháp phong tỏa, thiết lập vùng cách ly y tế, các DN có trụ sở, địa điểm kinh doanh ở các địa bàn này bị ảnh hưởng rất lớn. Vì thế, nhiều người băn khoăn các trường hợp DN thuộc diện trên có được vay vốn từ chính sách hỗ trợ này hay không.
Cùng đó, việc bỏ điều kiện không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng là một điểm mở để chính sách thông thoáng hơn. Song thực tế nhiều DN có nợ xấu nhiều năm, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội mà không phải do bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nếu không xem xét kỹ có thể dẫn tới tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách. Cho vay đối với các DN này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trước những băn khoăn trên, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, trên cơ sở nắm bắt thực tế, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33 ngày 6/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23 ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, sửa đổi một số nội dung, đơn giản thủ tục tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.
Cụ thể, sửa khoản 2, điều 12 thành người sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thành các đợt khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và việc sử dụng lao động. Người lao động chỉ được đào tạo, bồi dưỡng một lần theo chính sách này; sửa đổi, bổ sung về thủ tục đối với cho vay, thay vì đòi hỏi bản chính thì nay chỉ cần bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc Giấy chứng nhận đăng ký HTX/hộ kinh doanh; Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).
Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cung cấp thêm bản sao Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép hoạt động hoặc Chứng chỉ hành nghề hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đối với DN được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài.
Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc người sử dụng lao động phải tạm dừng toàn bộ hoặc một phần hoạt động để PCD Covid-19 hoặc PCD theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022…
Từ tháo gỡ những vướng mắc trên, dự kiến tới đây việc hỗ trợ người lao động, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ thuận lợi hơn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, không bỏ sót cũng như không trùng lắp đối tượng để tăng cường giải ngân nguồn vốn, nhanh chóng khôi phục sản xuất do tác động của dịch bệnh. NHCSXH Việt Nam cũng chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo đảm thống nhất, kịp thời giải ngân vốn cho đối tượng được thụ hưởng.
Tin, ảnh: Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)