Đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường: Quản lý minh bạch nguồn tài nguyên
Nhu cầu lớn
Theo báo cáo tổng hợp của cơ quan chức năng, nhu cầu của các doanh nghiệp (DN), địa phương trong sử dụng khoáng sản làm VLXD giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất lớn, với hơn 330 triệu m3. Trong đó, cát, sỏi là 115 triệu m3; sét gạch ngói 75 triệu m3; đất san lấp mặt bằng 140 triệu m3.
![]() |
Một điểm khai thác đất sét làm gạch, ngói ở xã Cẩm Lý (Lục Nam) được cấp phép theo quy định. |
Theo đó, toàn tỉnh đã khoanh định 473 khu vực dự kiến đưa vào quy hoạch, tổng diện tích hơn 3,8 nghìn ha, tài nguyên dự kiến khoảng 312,389 triệu m3, trong đó: Cát, sỏi có 92 khu vực; sét gạch, ngói có 130 khu vực và đất san lấp mặt bằng 251 khu vực. Ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Qua báo cáo của các địa phương và công tác nắm tình hình quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho thấy, các ngành, địa phương đã tập trung tăng cường công tác quản lý khoáng sản theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 21/4/2020”.
Được biết, để phục vụ tốt cho công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản tới đây, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh đưa ra ngoài danh mục khu vực không đấu giá đối với 28 khu vực khoáng sản làm VLXD thông thường đã được phê duyệt không đấu giá nhưng chưa cấp phép thăm dò và đối với những trường hợp vi phạm tiến độ thăm dò theo giấy phép được cấp. Trong đó, 11 khu vực đất san lấp, 8 khu vực sét gạch và 9 khu vực cát, sỏi. Đây là cơ sở quan trọng để đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD sau này.
Sẵn sàng cho đấu giá đợt 1
Thực tế cho thấy, việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường đã và đang được nhiều doanh nghiệp, người dân quan tâm. Ông Nguyễn Hồng Minh, thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức (Tân Yên) nói: “Những năm gần đây, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản như đất san lấp mặt bằng và cát, sỏi diễn ra ở một vài nơi. Điều này vừa gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, vừa làm biến dạng hiện trạng, sạt lở bờ bãi ven sông, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì thế, tôi rất mong tỉnh sớm tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản công khai để người dân biết và giám sát trong quá trình khai thác sau này”.
![]() |
Điểm sạt lở bờ sông Thương thuộc xã Hợp Đức (Tân Yên) do nạn khai thác cát trái phép gây ra. |
Đặc biệt, thông qua đấu giá lần này sẽ tạo sự chủ động về nguồn cấp VLXD cho các dự án, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trước đây, mỗi khu vực khai thác khoáng sản chỉ được cung cấp cho một vài dự án hoặc đơn vị thì nay được cung cấp cho tất cả các dự án, đơn vị trong tỉnh. Mặt khác, thông qua đấu giá còn giúp tăng thu ngân sách cho tỉnh, ít nhất là 10% so với việc không thông qua đấu giá vì có sự cạnh tranh giá bỏ thầu giữa các DN.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng trên, Sở TN&MT đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng và UBND các huyện rà soát những điểm có đủ điều kiện đưa vào đấu giá ngay trong năm nay. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đấu giá 33 khu vực mỏ, bao gồm: 25 khu vực mỏ đất san lấp; 4 khu vực mỏ đất sét làm gạch; 4 khu vực mỏ cát, sỏi, với tổng diện tích 150,37 ha. Trong đó, đợt 1 sẽ tổ chức ngay trong tháng 8 này, với 18 khu vực, cụ thể: 16 khu vực khai thác đất san lấp, 2 khu vực khai thác đất làm gạch. Đợt 2 sẽ tổ chức đấu giá vào tháng 10/2020.
Ông Lương Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết: “Qua đấu giá sẽ giúp chọn được doanh nghiệp có đủ nguồn lực thực hiện khai thác khoáng sản bảo đảm đúng lộ trình đã định. Tuy nhiên, các DN cũng băn khoăn sẽ gặp khó khăn khi giải phóng mặt bằng sau trúng đấu giá, vì công tác này do họ tự thỏa thuận với dân. Bởi vậy đòi hỏi chính quyền địa phương phải luôn tích cực đồng hành, hỗ trợ DN trong vấn đề này”.
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)