Đa dạng hình thức rèn luyện thể thao trong mùa dịch
Chọn môn phù hợp
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại các công viên, nhà văn hóa trên địa bàn TP Bắc Giang không còn thấy cảnh nhộn nhịp của người dân đến tập luyện như trước đây. Tại Công viên Hoàng Hoa Thám, 2 sân thi đấu bóng chuyền hơi vốn là nơi tụ tập khá đông người dân tham gia mỗi buổi sáng và chiều thì nay cũng vắng hơn.
![]() |
Hội viên CLB Thể dục dưỡng sinh thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) vừa tập luyện vừa bảo đảm khoảng cách theo quy định. |
Ở nhiều công viên, khuôn viên khác trong thành phố, lượng người tham gia luyện tập thể dục cũng giảm, người dân chia từng tốp nhỏ để tránh tập trung đông người.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, ở tổ dân phố Tân Ninh, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) đang tập luyện dụng cụ thể dục ngoài trời ở khu vực Tượng đài Chiến thắng Không quân Mỹ cho biết: “Lớn tuổi rồi, vừa tập luyện sức khỏe vừa đeo khẩu trang tôi cũng cảm thấy khó chịu, nhưng để phòng dịch, tôi tuân thủ quy định để bảo đảm sức khỏe cho mình và mọi người. Đến tập nơi công cộng, lúc nào tôi cũng phải giữ khoảng cách an toàn với người khác; thường xuyên rửa tay, sát khuẩn”.
Tại Câu lạc bộ (CLB) Thể dục dưỡng sinh thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang), gần 5 năm nay, các thành viên đã có thói quen tập luyện vào mỗi buổi tối. Tuy nhiên, từ khi bùng phát dịch Covid-19, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và công văn của UBND tỉnh, các thành viên CLB bàn bạc và thống nhất hình thức tập luyện bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.
Bà Hoàng Thị Mai, thành viên CLB chia sẻ: “Trước đây, mỗi buổi tối, các thành viên trong CLB tập trung cùng nhau tập luyện các bài dưỡng sinh. Nay tôi cùng một số thành viên tách nhóm tập riêng tại sân nhà văn hóa. Đến tập luyện, mỗi người đều đeo khẩu trang và đứng khoảng cách ít nhất 2 m”.
Ở thị trấn An Châu (Sơn Động), thay vì tập trung chơi bóng chuyền hơi như trước, một số người dân đã chủ động thay đổi hình thức tập luyện TDTT như đi bộ, đạp xe đạp, tập thể dục dưỡng sinh…
Theo ông Trần Văn Nam ở tổ dân phố số 4, thị trấn An Châu, thể dục hằng ngày để nâng cao sức khỏe là cần thiết nên thay vì đánh bóng chuyền hơi, ông chuyển sang đi bộ. Khi đi bộ, ông luôn giữ khoảng cách với những người cùng đi, mang thêm khẩu trang; rửa tay bằng xà phòng sau mỗi buổi tập. Đặc biệt, tập xong đi luôn về nhà, không đi uống nước như thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Tại các huyện, TP, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc các phòng tập gym, yoga... tạm dừng hoạt động nên nhiều người dân tự tập ở nhà, tập theo hướng dẫn trên Internet hoặc chuyển sang các môn thể thao khác.
Nâng cao sức khỏe
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên so với số dân đạt hơn 35% (cao hơn mức bình quân của cả nước khoảng 8-9%). Toàn tỉnh có gần 56 nghìn gia đình thể thao và gần 2.700 CLB TDTT, mỗi gia đình, CLB đều có những hình thức luyện tập riêng để vừa bảo đảm sức khỏe vừa phòng, chống dịch.
Trao đổi với ông Nguyễn Bá Thục, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh được biết, xác định người cao tuổi là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhất nên thời gian qua, Hội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạm dừng các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, hội họp tập trung đông người.
Tuy nhiên, hoạt động TDTT nâng cao sức khỏe và sức đề kháng là rất quan trọng, do đó Hội khuyến cáo hội viên thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, đồng thời chủ động chia nhóm nhỏ để luyện tập thể thao, dưỡng sinh. Trên thực tế, người cao tuổi ở nhiều địa phương đã duy trì tốt việc luyện tập thể thao, tuân thủ quy định phòng dịch.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, tập thể dục thường xuyên, đúng cách, tích cực vận động cơ thể, ăn uống đủ dinh dưỡng, giữ ấm mũi, họng, nâng cao thể trạng có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe, phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi người nên dành ít nhất 30 phút để tập thể dục mỗi ngày, rèn luyện sức khỏe qua các bài tập đơn giản, phù hợp với thể trạng của bản thân.
Việc tập luyện TDTT thường xuyên giúp thúc đẩy bài tiết mồ hôi, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, hệ thống miễn dịch được tăng cường, từ đó sẽ ít bị cảm cúm hơn, bảo vệ cơ thể khỏi những tác động nguy hiểm của bệnh tật. Vì vậy, người dân nên duy trì tập luyện TDTT ở mức độ phù hợp, nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể chống chọi hiệu quả với bệnh tật.
Việc tập luyện thường xuyên, đúng cách cũng chính là “lá chắn” quan trọng giúp phòng, chống hiệu quả với dịch bệnh.
Bài, ảnh: Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)