Cua Da - đặc sản đất Phượng Hoàng
![]() |
Một điểm bán cua Da ở xã Đồng Việt. |
Nhấc điện thoại gọi tới số máy của Nhà hàng Yên Dũng ở tiểu khu 4, thị trấn Nham Biền để “đặt hàng”, tôi nhận được lời bảo đảm: Nhà hàng sẽ cung cấp những món ngon nhất được chế biến từ cua Da Yên Dũng. Ngay sau cuộc gọi ấy, tôi cùng một số người bạn từ Hà Nội lên xe thẳng tiến tới điểm hẹn, cảm giác thú vị khi sắp được thưởng thức đặc sản của vùng đất Phượng Hoàng.
Sự hào hứng ấy cuối cùng cũng được đền đáp bằng một bữa cua Da thịnh soạn với đủ món, từ nồi lẩu bốc hơi nghi ngút cho tới những đĩa cua rang muối, xào me và cua hấp bia vàng ruộm, bày biện đẹp mắt. Nước lẩu và bát canh cua da có vị ngọt, thơm khác hẳn so với khi ăn cua đồng.
Chị Đỗ Thị Mai, chủ nhà hàng chia sẻ với chúng tôi, từ những mối gom ở khắp nơi trong huyện, hơn một tuần qua nhà hàng đã có cua Da đáp ứng nhu cầu của thực khách. Cua Da đầu mùa số lượng chưa nhiều, con nhỏ nhưng bù lại ngọt và thơm.
Chị cũng “bật mí”, thời điểm này khách có thể mua được hàng tươi sống ở xã Đồng Việt, khu vực bến phà sang địa phận thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Theo lời giới thiệu ấy, chúng tôi tìm về bến phà Đồng Việt, cách thị trấn Nham Biền chừng 8 km. Tại đây, cua Da được bày bán trong những chiếc thùng nhựa lớn tại một số cửa hàng tạp hóa ngay bên bờ sông. Hỏi mua nhưng tôi bị chủ hàng từ chối, bởi tất cả lượng cua trong các thùng đều đã có người đặt sẵn.
Trò chuyện với anh Trần Văn Chanh, người thôn Thượng, xã Đồng Việt, chủ một cửa hàng ven bến phà, được biết, từ đầu vụ (khoảng giữa tháng 8 âm lịch) đến nay mỗi ngày anh bán được khoảng 20 kg với giá dao động từ 300 – 350 nghìn đồng/kg. Nhiều người từ TP Bắc Giang, huyện Việt Yên, Hiệp Hòa hay tỉnh bạn Bắc Ninh cũng gọi tới để đặt.
Toàn bộ số cua được anh nhập thông qua các mối gom hoặc những thợ đánh bắt thủy sản ở trong và ngoài xã. Là người nhiều năm gắn bó bên bến phà Đồng Việt, anh Chanh hào hứng giới thiệu về đặc sản quê mình.
Anh nói: Cua Da chủ yếu xuất hiện ở khu vực sông Cầu, sống tại các ghềnh đá dưới đáy sông. Loài cua này có càng to, nặng chừng 1 – 2 lạng/con. Vào chính vụ (tháng 9, 10 âm lịch), cua sẽ to hơn một chút và giá bán cũng giảm.
Loại cua này bắt đầu xuất hiện khi tiết trời chớm gió heo may, thường chỉ có trong khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch hoặc kéo dài sang đến tháng 11 hằng năm và được đánh bắt ở các ghềnh đá dưới lòng sông Cầu. Năm nay, có lẽ do nhuận tháng 4 nên tháng 8 âm lịch đã có cua Da trên thị trường.
![]() |
Đĩa cua Da hấp bia tại một nhà hàng ở thị trấn Nham Biền. |
Theo kinh nghiệm, để bắt được cua Da cần có những loại lưới dày, bền chắc, có thể sử dụng lưới bát quái để thả. Thông thường phải ngâm lưới từ chiều tối tới sáng hôm sau kéo mới có. Câu chuyện này được thợ đánh cá ven sông Cầu như anh Trần Thế Phen ở tổ dân phố Thắng Cương; anh Phạm Văn Đương, tổ dân phố Thắng Lợi Hạ (cùng thị trấn Nham Biền) và nhiều thợ khác ở xã Tư Mại, Đồng Việt, Tân Liễu khẳng định.
Các anh cho biết thêm, mấy năm gần đây, cua Da ít xuất hiện ở khu vực sông thuộc xã Thắng Cương (cũ) hay Yên Lư, do nguồn nước sông Cầu nơi này bị ô nhiễm. Muốn bắt được cua, phải mang lưới lên thả phía sông mạn xã Đồng Phúc, Đồng Việt.
Loại cua Da bắt đầu xuất hiện khi tiết trời chớm gió heo may, thường chỉ có trong khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch hoặc kéo dài sang đến tháng 11 hằng năm và được đánh bắt ở các ghềnh đá dưới lòng sông Cầu. Năm nay, có lẽ do nhuận tháng 4 nên tháng 8 âm lịch đã có cua Da trên thị trường. |
Qua tìm hiểu và khảo sát từ thực tế, có một điểm đặc biệt được rất nhiều người, trong đó có cả những cán bộ nông nghiệp của huyện nhắc đến là hiện nay chỉ có cua Da trong tự nhiên chứ chưa có nơi nào nuôi được loại này.
Cũng biết được rằng, một số hộ mạnh dạn thử nghiệm nuôi nhưng không thành công. Đây là điều lý giải vì sao cua Da Yên Dũng chỉ có trong vòng hơn hai tháng chứ không phải quanh năm và trở thành một món ăn đặc sản của vùng đất này.
Từ nhiều năm nay, cua Da có mặt trên bàn tiệc ở hầu hết các nhà hàng lớn của huyện Yên Dũng. Nếu khách hàng có nhu cầu, không ít nhà hàng tại TP Bắc Giang cũng có thể đáp ứng. Giá cua thành phẩm từ 550 đến hơn 600 nghìn đồng/kg. Cua Da được chế biến thành nhiều món như: Hấp bia, nấu lẩu, nấu canh, xào me hay rang muối. Mỗi món có những sự hấp dẫn và vị ngon, ngọt khác nhau, đem đến sự thú vị khi thưởng thức của thực khách.
Yên Dũng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với những tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch. Có thể kể tới chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, sân golf dịch vụ, dãy núi Nham Biền huyền thoại cùng nhiều sản phẩm nổi tiếng: Gốm làng Ngòi, mộc Đông Thượng, gạo thơm, tương La và đặc biệt là cua Da.
Giờ là thời điểm cua Da đang vào mùa. Việc được thưởng thức món ngon ấy sẽ mang lại những trải nghiệm, cảm giác khó quên đối với du khách đến Yên Dũng dịp này.
Tùng Chi
Ý kiến bạn đọc (0)