Cử nhân bỏ phố về quê trồng rau sạch
Tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, chị Hằng từng làm việc trong một số doanh nghiệp lớn ở Thủ đô Hà Nội. Tuy vậy, chị luôn mong muốn phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững ở chính mảnh đất mình sinh ra. Điều đó đã thôi thúc chị nghỉ việc ở thành phố, về quê làm nông nghiệp sạch từ năm 2018.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng. |
Đất nông nghiệp ở Quảng Minh nhiều năm nay ngày càng thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa. Người trẻ tuổi vào công ty, nhà máy làm công nhân. Lực lượng lao động làm nghề nông hầu hết đã trung tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt nên chị Hằng vận động thêm 7 người cùng sản xuất, góp vốn đầu tư, thành lập HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Việt Yên.
Mất hơn nửa năm, HTX đầu tư cải tạo đất để phù hợp trồng các loại rau, củ, quả. Có đất rồi, chị nghiên cứu sử dụng chế phẩm sinh học để loại bỏ sâu bệnh, mầm cỏ dại, chuẩn bị cho gieo trồng trên diện tích 6 ha, một phần là đất nông nghiệp của các thành viên HTX, phần còn lại là thuê của người dân địa phương.
Để có vốn, chị Hằng vận động các xã viên cùng góp vốn, mỗi người từ 400 - 800 triệu đồng. Bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm làm nông nghiệp, chị Hằng đã tham gia một số khóa tập huấn ngắn hạn do Hội LHPN huyện, xã tổ chức; mời các giảng viên của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang hướng dẫn kỹ thuật canh tác.
Với vai trò là Giám đốc HTX, chị Hằng lo đầu ra cho các sản phẩm, kết nối với các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn và một số trường học. Mong muốn sản phẩm xuất ra thị trường liên tục, HTX bố trí một phần diện tích trồng các loại rau theo mùa như: Muống, mồng tơi, cà chua sản xuất theo quy trình VietGAP. Các xã viên của HTX sử dụng dung dịch tỏi, ớt, gừng phun cho rau phòng trừ sâu bệnh.
Theo bà Ngô Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện, qua khảo sát cho thấy HTX hoạt động có hiệu quả, Hội LHPN huyện đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP; giúp HTX làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu "Rau an toàn Việt Yên”. |
Việc áp dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp nhằm tăng năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho nông sản. HTX đã được hỗ trợ vay vốn lắp đặt nhà lưới, nhà màng với diện tích hơn 1 ha. Khi trồng các loại rau, củ, quả trong nhà lưới giúp hạn chế sâu bệnh gây hại, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của thời tiết.
Hiện HTX có hơn 1 nghìn gốc măng tây xanh cùng các loại rau, củ, quả như: Cà chua, khoai tây, dưa bở. Năm 2019, HTX phối hợp với Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đưa vào trồng hơn 300 gốc cây cà chua ghép trên gốc cà pháo. Chị Hằng giải thích: Cây cà pháo có gốc, thân khỏe nên việc ghép cà chua lên thân cây này giúp kéo dài thời gian thu hoạch, tăng năng suất.
Đến nay, HTX đã tìm được chỗ đứng trên thị trường bằng việc cung ứng rau, củ quả cho Trường Mầm non Bích Sơn và Ninh Sơn; cung cấp măng tây xanh cho chuỗi nhà hàng chay tại TP Hà Nội. Mỗi ngày HTX thu hoạch 300 kg rau xanh các loại, 50 kg măng tây với giá bán dao động từ 30 đến 120 nghìn đồng/kg (tùy loại).
Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích sản xuất các loại rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao như: Cà chua baby, cà chua socola, dưa bao tử. Đồng thời tìm các nguồn vốn hỗ trợ nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng, đưa nông sản sạch đến tận tay người tiêu dùng.
Thu Vân
Ý kiến bạn đọc (0)