Có thể lây Covid-19 từ tay người lấy mẫu xét nghiệm hay không?
Nhiều nơi đang triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng. Tại mỗi điểm, công suất lấy mẫu xét nghiệm có thể lên hơn 1.000 mẫu/ngày.
Tuy nhiên, cũng có không ít người bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây nhiễm, trong trường hợp nhân viên y tế vô tình lấy mẫu cho một F0 sau đó lại tiếp tục lấy mẫu cho nhiều người khác.
![]() |
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Hà Nội. |
Về vấn đề này, theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua bề mặt là có nhưng rủi ro không cao như con đường lây qua giọt bắn. Trong thực tế, lây nhiễm chéo Covid-19 qua bề mặt thường xảy ra ở môi trường bệnh viện, nơi có mật độ bệnh nhân đông.
Tuy nhiên, để bảo đảm hạn chế tối đa nguy cơ, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chống lây nhiễm.
"Nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu yêu cầu phải có đồ bảo hộ, găng tay đạt chuẩn khi làm việc. Trong quá trình lấy mẫu, găng tay không cần thay liên tục, nhưng việc sát khuẩn tay cẩn thận bằng cồn sau mỗi lần lấy mẫu là điều bắt buộc", ông Tuấn cho hay.
Trong chiến dịch xét nghiệm diện rộng, theo ông Tuấn, CDC Hà Nội cũng đã yêu cầu nhân viên y tế tại các quận, huyện khi làm nhiệm vụ lấy mẫu phải bảo đảm các nguyên tắc an toàn. Đồng thời, CDC Hà Nội có các đội giám sát, hỗ trợ quận, huyện để đôn đốc, nhắc nhở việc tuân thủ các quy định chuyên môn về công tác lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản…
Tuy nhiên, khi thực hiện lấy mẫu cho một số lượng người quá lớn, cũng có thể xảy ra trường hợp một số nhân viên y tế quên quy trình chuẩn. Trong tình huống này, người dân có quyền giám sát, nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu thực hiện đúng các nguyên tắc phòng chống lây nhiễm.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân khi đi lấy mẫu xét nghiệm cần trang bị khẩu trang đầy đủ. Bên cạnh đó, cần tuân thủ quy định về giãn cách.
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc (0)