Cơ sở thu mua phế liệu ở xã Đồng Phúc (Yên Dũng) sai phạm về sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường
![]() |
Xây dựng nhà, xưởng trên đất nuôi thủy sản. |
Địa điểm xây dựng trên khu đất thuộc hành lang đê mà trước đó gia đình bà Lương đã trúng thầu để nuôi trồng thủy sản với thôn Cao Đồng, cách các khu dân cư gần nhất ở xung quanh khoảng 1 km. Đến tháng 6/2018, Công ty Bá Thiết không tham gia nữa, bà Quyên đứng ra quản lý.
Chủ cơ sở hoàn thiện các thủ tục và tháng 7/2018 được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, ngành nghề thu mua phế liệu. Trung bình mỗi tháng, cơ sở này thu gom hàng chục tấn chất thải không nguy hại của một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh về phân loại, hợp đồng với một công ty ở tỉnh Hải Dương đến mang đi xử lý.
![]() |
Phân loại rác thải trong khu nhà xưởng. |
Ông Dương Bá Thiết, Giám đốc Công ty Bá Thiết thừa nhận, khi xây dựng nhà xưởng trên đất nuôi thủy sản chưa được UBND xã Đồng Phúc cũng như cơ quan chức năng của huyện Yên Dũng cho phép, bởi ở địa phương này có rất nhiều trường hợp sử dụng đất sai mục đích nhưng vẫn tồn tại. Hiện Công ty không tham gia công việc ở đây nữa, bà Quyên chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ sở này.
![]() |
Cải tạo ao nuôi thủy sản mà người dân nghi ngờ chôn lấp rác thải. |
Được biết khi mới đưa rác về đây phân loại, có vài lần cơ sở đưa loại rác không thể tái chế vào bãi rác của thôn để đốt gây ô nhiễm môi trường, người dân có ý kiến, đơn vị đã cam kết không tái phạm.
Vào năm 2016, cử tri thôn Cao Đồng kiến nghị về việc Công ty đổ phế thải công nghiệp tại địa phương, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện đã vào cuộc kiểm tra, xác định cơ sở này “chưa có giấy phép về sử dụng đất, xây dựng và BVMT theo quy định”, đồng thời yêu cầu hoàn thiện các hồ sơ trên. Phòng cũng đề nghị UBND xã Đồng Phúc thường xuyên kiểm tra, giám sát, báo cáo UBND huyện.
Tuy nhiên từ đó đến nay, cơ sở vẫn hoạt động mà chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không làm thủ tục cấp phép xây dựng nhà xưởng cũng như các quy định về BVMT. Hiện, nhà xưởng này quy mô gần 1 nghìn m2, thu hút 5-10 lao động thủ công tại địa phương tham gia phân loại rác.
Theo quan sát của phóng viên, rác thải chủ yếu là bìa giấy, bao bì nhựa - nilon, dây đai nhựa, cao su…; không có hiện tượng chôn rác thải, hoặc tiếp tục tôn tạo và cơi nới mặt bằng nền nhà xưởng. Chủ cơ sở Lương Thị Quyên thừa nhận, việc làm nhà xưởng trên đất nuôi trồng thủy sản là vi phạm pháp luật và cũng chưa hoàn thiện các hồ sơ theo quy định về BVMT.
![]() |
Rác thải nhựa được thu gom để phân loại. |
Để xảy ra vi phạm trong thời gian dài còn có trách nhiệm của chính quyền xã, Phòng TN&MT huyện. Trả lời câu hỏi vì sao không kiểm tra, hướng dẫn cơ sở này hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo đề nghị của Phòng TN&MT năm 2016, Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc Trịnh Nam Thắng cho biết, địa bàn xảy ra nhiều vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà xưởng trái phép, trong đó có các trường hợp lịch sử để lại nhưng chưa được xử lý; xã cũng chỉ kiểm tra bằng cảm quan việc BVMT ở đây.
Còn ông Lại Văn Hà, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện xác nhận, kể từ cuối năm 2016 đến nay, đơn vị cũng không đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đất đai, BVMT của cơ sở này.
![]() |
Khu nhà xưởng của bà Lương Thị Quyên. |
Theo Luật BVMT năm 2014, cơ sở thu mua phế liệu trước khi hoạt động, ngoài có giấy phép kinh doanh còn phải lập kế hoạch BVMT và được UBND huyện quyết định.
Vì vậy, cùng với việc thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng, cơ sở của bà Lương Thị Quyên phải hoàn thiện hồ sơ về BVMT theo quy định của pháp luật. Chính quyền xã, Phòng TN&MT huyện cần tích cực vào cuộc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, xử lý nghiêm nếu còn vi phạm.
Báo Bắc Giang sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Ý kiến bạn đọc (0)