Chuyển đổi số trong ngành Y tế: Liên thông các cấp, nâng chất lượng khám, chữa bệnh
Liên thông hợp tác điều trị ca khó
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với ngành y, việc liên thông các tuyến (T.Ư, tỉnh, huyện, xã) trong chẩn đoán, điều trị giúp bệnh nhân có cơ hội tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất mà không mất nhiều thời gian và chí phí đi lại. Đây cũng là điều kiện giúp đơn vị y tế cơ sở nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe.
![]() |
Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang ứng dụng công nghệ thông tin trong phẫu thuật nội soi. |
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chương trình Telehealth - khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến T.Ư đã được thực hiện hằng năm. Từ hiệu quả của mô hình, năm 2022, Bệnh viện quyết định thành lập Tổ Hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với tuyến huyện, gồm các bác sĩ là lãnh đạo các khoa, phòng có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong KCB.
Ông Vũ Thanh Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, tháng 3 vừa qua, Bệnh viện tổ chức kết nối trực tuyến tư vấn KCB từ xa với 9 điểm cầu trung tâm y tế tuyến huyện. Bước đầu triển khai, các điểm cầu trực tuyến đã bảo đảm về chất lượng đường truyền, hình ảnh sinh động, âm thanh rõ nét giúp tổ tư vấn nhận định chính xác tình trạng người bệnh.
Gần đây, bệnh nhân Hoàng Văn N, 31 tuổi, ở xã Nghĩa Phương vào Trung tâm Y tế huyện Lục Nam điều trị với triệu chứng sốt kéo dài, khó thở trên nền bệnh thận, tăng huyết áp và hậu Covid-19. Xác định đây là ca bệnh phức tạp, Trung tâm Y tế huyện đã nhanh chóng liên hệ đặt lịch hội chẩn tư vấn từ xa với các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ngay lập tức, Tổ tư vấn gồm các bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Khoa Hô hấp và bác sĩ Chuyên khoa II Nghiêm Tam Dương, Trưởng Khoa Nội thận tiết niệu - lọc máu phân tích tình hình, tư vấn tuyến huyện khẩn trương xét nghiệm các chỉ số cận lâm sàng về hệ thống tiết niệu trước và sau lọc máu, áp dụng chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc phù hợp. Nhờ vậy, sức khỏe bệnh nhân từng bước có chuyển biến, được ra viện sau 10 ngày điều trị.
Hiện Sở Y tế đang phối hợp với Viettel Bắc Giang triển khai thí điểm Dự án tư vấn, khám chữa bệnh từ xa kết nối liên thông tuyến huyện và tuyến xã. Hai đơn vị y tế cơ sở đầu tiên trong tỉnh được chọn làm điểm là Trạm Y tế xã An Thượng (Yên Thế) và Trạm Y tế xã Việt Tiến (Việt Yên).
Thời điểm này, đơn vị cung cấp dịch vụ đã khảo sát hiện trạng, cải tạo, nâng cấp đường truyền Internet, trang bị máy tính bảo đảm tương tác hai chiều giữa trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện. Lập danh mục và khởi tạo các dữ liệu thông tin trên phần mềm quản lý KCB từ xa.
Ông Thân Anh Tuấn, Phó trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế xã Việt Tiến (Việt Yên) cho biết: Trung bình mỗi năm, Trạm tiếp nhận gần 5 nghìn bệnh nhân đến KCB. Khi triển khai mô hình này, ngoài được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, cán bộ y tế cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức giúp nâng cao năng lực chẩn đoán, phát hiện, điều trị kịp thời, giảm số ca bệnh chuyển tuyến trên.
Với quyết tâm cao, hiện nay Viettel Bắc Giang đã bàn giao hệ thống, tập huấn cán bộ sử dụng các tính năng cơ bản để vận hành như: Đặt lịch tư vấn, xác nhận lịch và thực hiện tư vấn KCB từ xa với trung tâm y tế tuyến huyện. Tính đến tháng 5, Trạm Y tế xã Việt Tiến đã thực hiện được 28 cuộc; Trạm Y tế xã An Thượng thực hiện 103 cuộc tư vấn KCB từ xa với tuyến huyện.
Sử dụng công nghệ mới trong quy trình KCB
5 năm gần đây, trung bình mỗi năm ngành Y tế tiếp nhận hơn 3 triệu lượt bệnh nhân khám bệnh và hơn 250 nghìn lượt điều trị nội trú. Bên cạnh nhiệm vụ KCB, toàn ngành còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực dược, dự phòng, dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em...
Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực tế thời gian qua, khối lượng công việc lớn, dịch bệnh xuất hiện bất ngờ đã và đang tạo sức ép lớn cho toàn ngành. Trước khó khăn chung, Sở Y tế đã quán triệt và triển khai nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế, của tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý, điều hành và KCB.
Qua thực hành tại Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc cho thấy, giải pháp này đã mở ra cơ chế mới “trên thông, dưới thoáng”, xóa bỏ khoảng cách địa giới hành chính giữa các cấp trong KCB. Việc kết nối thông tin với Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến T.Ư, tuyến tỉnh, tuyến huyện và xã cơ bản đáp ứng yêu cầu; đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang năm 2021.
Sở Y tế là đơn vị nằm trong tốp đầu các sở, ngành tỉnh với tỷ lệ ký số văn bản đạt 100%; 100% cơ sở y tế áp dụng hệ thống cấp số thứ tự KCB tự động; 80% trung tâm y tế tuyến huyện và 100% bệnh viện tuyến tỉnh ứng dụng phần mềm quản lý xét nghiệm; 100% cơ sở KCB trong tỉnh có điểm cầu truyền hình trực tuyến áp dụng hệ thống KCB từ xa, phục vụ giao ban trực tuyến. |
Sở cũng tập trung sử dụng hiệu quả các ứng dụng, phần mềm chuyên ngành: Tỷ lệ ký số đạt 100% ; 100% cơ sở y tế áp dụng hệ thống cấp số thứ tự KCB tự động; 80% trung tâm y tế tuyến huyện và 100% bệnh viện tuyến tỉnh ứng dụng phần mềm quản lý xét nghiệm; 100% cơ sở KCB trong tỉnh có điểm cầu truyền hình trực tuyến áp dụng hệ thống KCB từ xa, phục vụ giao ban trực tuyến. Tỷ lệ người dân trong tỉnh có hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử đạt gần 94%.
Trong khi đó, ở tuyến huyện, nhiều đơn vị y tế cũng mạnh dạn chuyển đổi số, tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng KCB. Bác sĩ Đặng Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Thế chia sẻ, đơn vị triển khai hệ thống KCB thông minh với các phần mềm hỗ trợ kết nối, chia sẻ và tích hợp dữ liệu liên thông giữa các khoa, phòng, từ khi bệnh nhân bắt đầu nhập viện đến khi kết thúc quá trình điều trị.
Nhờ đó, giảm thời gian chờ đợi, đi lại của người bệnh từ 30-50% so với trước. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại và chỉ đạo chuyên môn từ xa của các chuyên gia tuyến tỉnh, tuyến T.Ư, tại đây cũng thực hiện được nhiều kỹ thuật khó như: Phẫu thuật cắt amidan gây tê/gây mê; thông khí nhân tạo xâm nhập; cấp cứu phẫu thuật vỡ bàng quang hiếm gặp; cắt u phì đại lành tính tuyến tiền liệt qua nội soi.
Ông Từ Quốc Hiệu nhấn mạnh thêm, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại thì công tác đào tạo nhân lực là yếu tố quyết định hiệu quả chuyển đổi số. Sở Y tế đang tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nâng cao kỹ năng sử dụng phần mềm tiện ích trong quản lý, KCB liên thông.
Từ nay đến hết năm 2022, Sở Y tế sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả một số mô hình KCB ứng dụng kỹ thuật cao đang thực hiện thí điểm như: Bệnh án điện tử (EMR) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Sản - Nhi Bắc Giang; KCB từ xa tại Trạm Y tế xã An Thượng (Yên Thế) và Việt Tiến (Việt Yên); ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh tại 9 trung tâm y tế tuyến huyện và 7 bệnh viện tuyến tỉnh.
Từ đó, kịp thời rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng những cách làm hiệu quả, hướng đến mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)