Chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 ở cấp xã: Chuẩn hóa quy trình xử lý thủ tục hành chính
Vượt 30% chỉ tiêu
Tháng 11/2018, UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng chuyển đổi HTQLCL ISO 9001:2008 tại UBND cấp xã lên phiên bản ISO 9001:2015. Đây là phiên bản mới có nhiều ưu điểm nổi bật, giúp chuẩn hóa quy trình xử lý TTHC, quản lý hồ sơ khoa học, xác định rõ trách nhiệm từng người và tương tác với các bên liên quan một cách hợp lý.
![]() |
Ban Chỉ đạo ISO tỉnh kiểm tra ứng dụng ISO 9001:2015 tại xã Đại Thành (Hiệp Hòa). |
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, từ khi sáp nhập đơn vị hành chính đến nay, lượng hồ sơ giải quyết tại bộ phận một cửa tăng cao. Bình quân mỗi ngày, địa phương giải quyết 40-50 TTHC. Để công việc thuận lợi, thị trấn bố trí 5 công chức tại bộ phận một cửa gồm: 1 công chức Địa chính - Xây dựng, 2 công chức Lao động – Thương binh và Xã hội và 2 công chức Tư pháp – Hộ tịch.
Nhờ áp dụng thuần thục quy trình ISO mới, hằng ngày đơn vị kiểm soát được tiến độ giải quyết công việc, tài liệu lưu trữ rõ ràng, bảo đảm quy định. Thời gian giải quyết TTHC giảm khoảng 30%, hồ sơ trả trước và đúng hạn ở bộ phận một cửa xã đạt 99%.
Đầu năm 2018, Việt Yên nhân rộng mô hình ra toàn huyện, đến tháng 8/2019, toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hoàn thành xây dựng, áp dụng quy trình ISO 9001:2015, sớm hơn hai năm so với kế hoạch. Vừa qua, UBND tỉnh đã công bố Việt Yên là đơn vị dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính cấp huyện năm 2019 với chỉ số 83,95%, tăng 1 bậc so với năm trước đó.
Tại xã Đại Thành (Hiệp Hòa), tháng 7/2019 đơn vị đã hoàn thành việc áp dụng ISO 9001:2015 tại bộ phận một cửa. Theo đại diện lãnh đạo UBND xã, sau khi áp dụng quy trình ISO mới, toàn bộ những hạn chế trước kia như: Giải quyết hồ sơ chậm, muộn, mất hồ sơ, tốn thời gian, kinh phí, khó tìm lỗi trong quá trình giải quyết TTHC thì nay đã được khắc phục. Phiên bản mới cũng bỏ hoàn toàn việc sử dụng sổ sách ghi chép hoạt động từng ngày; cắt giảm nhiều chi phí.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) ISO tỉnh, đến cuối năm 2019, toàn bộ UBND cấp xã trong tỉnh đã áp dụng thành công quy trình ISO 9001:2015, vượt 30% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, TP Bắc Giang, huyện Việt Yên là hai địa phương dẫn đầu.
Tiếp tục duy trì hiệu quả quy trình
Theo ông Phạm Xuân Thắng, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (Sở KH&CN), năm 2019, Sở đã hướng dẫn các huyện, TP đánh giá, chấm điểm công tác xây dựng, áp dụng HTQLCL ISO 9001:2015 tại các xã, phường, thị trấn. Kết quả cho thấy, toàn bộ các đơn vị đều đạt khá trở lên.
Đến cuối năm 2019, UBND cấp xã trong tỉnh đã công bố áp dụng thành công quy trình ISO 9001:2015, vượt 30% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, TP Bắc Giang, huyện Việt Yên là hai địa phương dẫn đầu. |
Để đạt kết quả trên, ngay từ khi ban hành kế hoạch, Sở KH&CN phối hợp với phòng, ban chuyên môn các huyện, TP hướng dẫn xây dựng và áp dụng HTQLCL cho lãnh đạo, cán bộ cấp xã, phường, thị trấn phụ trách lĩnh vực ISO thực hiện thuần thục các bước. BCĐ ISO tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc áp dụng tại các địa phương. Qua mỗi lần làm việc tìm ra hạn chế, vướng mắc để khắc phục.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cấp xã tích cực triển khai các bước. Ngoài kinh phí của tỉnh, các huyện, TP tự bố trí kinh phí tổ chức đào tạo, tập huấn, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực; thuê đơn vị thiết kế xây dựng quy trình ISO phù hợp với tính chất công việc của địa phương.
Ví như, tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, đến hết quý 2/2019, tỷ lệ xây dựng, ứng dụng hệ thống ISO 9001:2015 còn thấp. Ngay sau khi được kiểm tra đôn đốc, mỗi huyện đều bố trí kinh phí từ 500-800 triệu đồng cho các xã, thị trấn chuyển đổi HTQLCL. Các huyện cũng đề nghị BCĐ ISO tỉnh cử cán bộ chuyên môn xuống từng xã, nhất là địa bàn vùng sâu, xa hướng dẫn để nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức.
Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nói: “Năm 2019, huyện bố trí 500 triệu đồng để sửa chữa thiết bị máy móc, tập huấn kỹ năng, kiến thức cho cán bộ, công chức các xã, thị trấn. Đến nay, toàn bộ UBND cấp xã trên địa bàn huyện áp dụng quy trình trên. BCĐ ISO cấp huyện tiếp tục kiểm tra việc áp dụng, siết chặt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc trong thời gian tới”.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc áp dụng ISO 9001:2015 hiện vẫn còn khó khăn, hạn chế do quy trình có nhiều nội dung mới, trừu tượng. Trong khi nhiều địa phương, cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa vẫn kiêm nhiệm. Thời gian tới, Sở KH&CN cùng các Tổ giúp việc BCĐ tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương về chuyên môn.
Về phía các huyện, TP cần xây dựng, bố trí thêm kinh phí đầu tư thiết bị máy móc, lựa chọn nhân lực chất lượng, bố trí làm nhiệm vụ phù hợp đáp ứng nhu cầu công việc. Toàn tỉnh phấn đấu hết năm 2020, tỷ lệ hồ sơ trả trước và đúng hẹn ở bộ phận một cửa cấp xã đạt bình quân hơn 90%.
Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)