Chương trình tiêm chủng mở rộng: Thiếu vắc-xin kéo dài
Không có 4 loại vắc-xin
Chương trình TCMR được triển khai trên toàn quốc với 10 loại vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em và phụ nữ. Hầu hết các vắc-xin sử dụng trong chương trình được sản xuất trong nước, có 2 loại nhập khẩu là 5 trong 1 và vắc-xin phòng bệnh bại liệt liều tiêm (IPV). Thời điểm này, Bắc Giang đang thiếu 4 loại vắc-xin: 5 trong 1; 3 trong 1; sởi; viêm gan B sơ sinh để tiêm miễn phí cho trẻ em trong chương trình TCMR.
![]() |
Nhân viên y tế kiểm tra vắc-xin tại kho bảo quản của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Đặc biệt, từ tháng 1/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh không được cung ứng vắc-xin 5 trong 1. Riêng vắc-xin phòng bệnh viêm gan B sơ sinh thiếu từ tháng 10/2023. Vì thế các gia đình có trẻ em trong độ tuổi muốn tiêm buộc phải đợi hoặc lựa chọn tiêm dịch vụ. Nhiều phụ huynh lo lắng con em mình có nguy cơ cao mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì liên tục phải hoãn lịch tiêm.
Bắc Giang đang thiếu 4 loại vắc-xin: 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B); 3 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván); sởi; viêm gan B sơ sinh để tiêm miễn phí cho trẻ em trong chương trình TCMR. |
Xã An Lạc (Sơn Động) có 60 trẻ em trong độ tuổi (dưới 1 tuổi) cần tiêm vắc-xin 5 trong 1. Ông Đỗ Quốc Phòng, Trưởng Trạm Y tế xã An Lạc cho biết: “Nhân viên y tế hướng dẫn phụ huynh cho trẻ tiêm dịch vụ nhưng đây là địa bàn khó khăn, điều kiện kinh tế còn eo hẹp nên hầu hết các cháu đều khó tiếp cận dịch vụ tiêm chủng đối với những mũi còn thiếu”.
Từ tháng 10/2023, các cơ sở y tế có phòng đẻ cũng không được cung cấp vắc-xin phòng bệnh viêm gan B sơ sinh theo chương trình TCMR. Sản phụ Nguyễn Thị Vãn, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) cho biết: “Tôi vừa sinh con tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang nhưng gia đình phải đưa cháu ra ngoài tiêm dịch vụ mũi phòng viêm gan B sơ sinh do bệnh viện thiếu loại vắc-xin này”. Đó là trường hợp sinh con tại các cơ sở y tế ở khu vực thành thị mới dễ dàng đưa em bé đi tiêm dịch vụ. Còn những sản phụ ở vùng sâu, vùng xa sinh tại trạm y tế xã thì phần đông các em bé sẽ phải bỏ mũi tiêm này khi trạm y tế thiếu vắc-xin.
Thay đổi cơ chế mua vắc-xin
Hiện nay, toàn tỉnh có 296 cơ sở y tế đủ điều kiện cung cấp dịch vụ tiêm chủng. Các cơ sở này chủ yếu ở khu vực trung tâm huyện, TP. Trẻ em miền núi, vùng cao tiếp cận dịch vụ chưa thuận tiện. Giá dịch vụ cao nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện tiêm.
![]() |
Phụ huynh đưa con đi tiêm vắc-xin tại Phòng tiêm chủng dịch vụ Safpo Bắc Giang. |
Ví như khi đi tiêm dịch vụ thì vắc-xin 5 trong 1 sẽ được thay thế bằng vắc-xin 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B) và có giá hơn 1 triệu đồng/mũi. Với liệu trình tiêm đủ 4 mũi cho mỗi trẻ thì gia đình phải chi hơn 4 triệu đồng. Bởi vậy, hầu hết các hộ ở vùng nông thôn, miền núi vẫn mong muốn được tiêm miễn phí theo chương trình TCMR.
Theo rà soát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến tháng 10/2023, toàn tỉnh có gần 26,2 nghìn trẻ em dưới 12 tháng tuổi và hơn 27 nghìn trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 18 tháng tuổi. Đây là số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Tuy vậy, hiện mới có 48% trẻ em được tiêm đủ các mũi vắc-xin phòng bệnh. Một số địa bàn như: Sơn Động, Lục Ngạn, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp.
Ông Giáp Văn Minh, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Các loại vắc-xin này thiếu trong thời gian dài, trẻ em không được tiêm đúng lịch, đủ mũi sẽ không được miễn dịch, bảo vệ sớm với các bệnh truyền nhiễm như: Bạch hầu, ho gà, sởi, uốn ván, viêm gan B dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch. Trong đó, đáng lo ngại là dịch sởi. Thời điểm này, bệnh bạch hầu đã xuất hiện trở lại tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Hà Giang với hàng chục người mắc, trong đó có 3 ca tử vong. Do vậy, nhu cầu được tiêm vắc-xin phòng bệnh ngày càng cấp thiết”.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Y tế, nguồn cung ứng phục vụ TCMR bị gián đoạn từ đầu năm 2023 đến nay là do có sự thay đổi về cơ chế mua vắc-xin. Một số thủ tục đấu thầu mua sắm theo quy định còn vướng mắc, Bộ Y tế đã trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ và đang tiến hành các thủ tục tiếp theo để có thể tiếp nhận được vắc-xin sớm nhất từ nhà sản xuất.
Để có vắc-xin, Sở Y tế đã kêu gọi các nguồn viện trợ. Tháng 8/2023, Bắc Giang được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tài trợ 4,5 nghìn liều 5 trong 1. Sở đề xuất với UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí sẵn sàng triển khai phương án mua vắc-xin từ ngân sách địa phương. Trong giai đoạn này, Sở chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với trung tâm y tế các huyện, TP tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh có thể gây dịch ở trẻ em để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ bùng phát dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc điều trị các bệnh truyền nhiễm đang thiếu vắc-xin phòng bệnh.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)