Chương trình OCOP ở Bắc Giang-tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn
Khẳng định vị thế, tăng sức cạnh tranh
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo, tập trung thực hiện ngay khi đề án được ban hành. Hằng năm, tỉnh dành hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản phẩm, trọng tâm về kiểm nghiệm sản phẩm; thiết kế, in ấn tem nhãn mác, bao bì sản phẩm; truy xuất nguồn gốc; bảo hộ nhãn hiệu. Cùng đó, các huyện, TP cũng hỗ trợ thêm cho các chủ thể.
![]() |
Cam lòng vàng (Lục Ngạn), một trong những sản phẩm OCOP của địa phương. |
Có trợ lực cộng với sự năng động, nhạy bén của chủ thể nên đến nay, toàn tỉnh có gần 250 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm được công nhận đều mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: Mỳ Chũ; mỳ Châu Sơn; rượu Vân; bún Đa Mai.
Không ít sản phẩm nổi tiếng khác đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Gà đồi Yên Thế; vải thiều Lục Ngạn; vải sớm Phúc Hòa; vú sữa Hợp Đức, mật ong Tây Yên Tử, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo,… Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như Iso 22000; HACCP; VietGAP; Global GAP… Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
![]() |
Giải độc gan An xoa- sản phẩm OCOP của huyện Việt Yên. |
Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp. Ví như sản phẩm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO xuất sang thị trường Đức; các sản phẩm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn) xuất khẩu sang Pháp; các sản phẩm giấm của Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang Lục Ngạn xuất sang thị trường Trung Quốc; bánh nông sản Bình Minh xuất sang thị trường Hàn Quốc.
Đặc biệt vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa đã được xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc. Một số sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng gia công hoặc qua bên thứ ba như: Mỳ Chũ Green sang Nhật Bản; vải khô sang thị trường Trung Đông.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Chương trình OCOP đã nâng tầm cho sản phẩm nông sản Bắc Giang, giúp sản phẩm khẳng định vị thế, tăng sức cạnh tranh. Nhờ đó, tiêu thụ thuận cả thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Xây dựng chương trình hành động cụ thể
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, phát huy lợi thế địa phương, để khai thác tiềm lực, giai đoạn 2018-2022, Bắc Giang đã hỗ trợ cho hơn 100 lượt HTX, doanh nghiệp (DN) với khoảng 350 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung cầu.
![]() |
Vải thiều Lục Ngạn được bán trên trang thương mại điện tử Voso.vn. |
Bưu điện tỉnh, Viettel post phối hợp, đưa sản phẩm OCOP, cung cấp danh sách các DN, HTX có sản phẩm giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Các chủ thể OCOP cũng đã được tập huấn, tiếp cận và dần thành thạo cách bán hàng mới. Hiện hơn 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn TMĐT, kênh phân phối khác. Nhiều điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP hình thành tại huyện Yên Thế, Lục Nam, Việt Yên và TP Bắc Giang.
Sản phẩm OCOP mặc dù đã có những thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tuy nhiên nhiều sản phẩm vẫn có những điểm yếu, đặc biệt là việc tuân thủ và áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, sở hữu trí tuệ.
Đến năm 2030, Bắc Giang phấn đấu có khoảng 350 sản phẩm OCOP. Trong đó 4 sản phẩm 5 sao; hơn 130 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. |
Việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế do các sản phẩm OCOP chủ yếu là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp.
Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đa phần là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, lẻ phục vụ nhu cầu trong phạm vi hẹp, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục.
Những kết quả đạt được cũng như hạn chế thời gian qua về thực hiện OCOP là bài học giúp Bắc Giang rút kinh nghiệm triển khai thời gian tới.
![]() |
Một tiết mục văn nghệ tại Khu du lịch cộng đồng bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế). Đây là sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên đạt OCOP 3 sao. |
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm 5 sao; hơn 130 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Để đạt mục tiêu này, những năm tiếp theo, Bắc Giang tập trung bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX, trang trại, các chủ thể sản xuất OCOP.
Xây dựng và hoàn thiện các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Khuyến khích thành lập mới nhiều HTX để tổ chức lại sản xuất, từ đó tạo ra được quy trình chuẩn, sản xuất hàng hoá, quy mô lớn và bảo đảm tiêu chuẩn theo Chương trình OCOP.
Khẳng định vai trò của Chương trình OCOP, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, Chương trình OCOP là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đây là tiền đề thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn song lại mang đặc trưng rất riêng. Thông qua xây dựng sản phẩm OCOP đã thêm sự gắn kết, phát huy sức mạnh cộng đồng, thiết thực nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân nông thôn; góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Đồng chí khẳng định, Bắc Giang còn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển sản phẩm OCOP. Do vậy, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm mở rộng số lượng, cơ cấu sản phẩm. Các huyện, TP nên xây dựng danh mục cụ thể, từ đó có hành động, định hướng rõ ràng để thực hiện.
Bài, ảnh: Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)