Chủ động ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 9/8, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 2. Hồi 13 giờ ngày 9/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc, 112,9 độ Kinh Đông trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và khả năng mạnh thêm. Ngoài ra, từ chiều tối 10/8 đến ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ có mưa phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt.
![]() |
Cán bộ Hạt Quản lý Đường bộ Sơn Động phối hợp với Hạt Quản lý Đường bộ Tân Hoa kiểm tra một điểm sạt lở trên quốc lộ 31, đoạn qua xã Yên Định (Sơn Động). |
Đối với tỉnh Bắc Giang, từ tối và đêm nay (10/8) đến hết ngày 11/8 chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, kết hợp rìa Tây áp cao cận nhiệt đới tạo nên hội tụ gió Đông Nam hoạt động mạnh nên có mưa vừa đến mưa to ở nhiều nơi, một số nơi mưa rất to. Thời gian mưa to đến rất to tập trung từ gần sáng ngày 11/8 đến ngày 12/8, lượng mưa phổ biến từ 100-150 mm/đợt.
Để chủ động ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, TP; các sở, ban, ngành; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh và các Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, ứng phó giảm thiệt hại.
Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, ngập lụt, chia cắt.
Kiểm tra, rà soát, sắn sàng phương án bảo đảm an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, hồ chứa nhỏ. Bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành, điều tiết và xử lý các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị, khu công nghiệp, khu vực trũng thấp, gia cố bảo vệ ao hồ nuôi trồng thủy sản.
Các chủ đầu tư có công trình đang thi công xây dựng đê điều, hồ đập, trạm bơm có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; chủ động phương án tiêu úng.
Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt.
Các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh. Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí trên địa bàn thường xuyên cập nhập thông tin, tăng cường thời lượng, kịp thời đưa tin về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.
TS
Ý kiến bạn đọc (0)