Chủ động nguồn cung, bình ổn thị trường dịp Tết
Cam kết bình ổn giá
Theo nhận định của cơ quan chức năng, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng 10-15% so với cùng kỳ năm trước. Bởi vậy, Sở Công Thương Bắc Giang đang triển khai cam kết bình ổn giá tới các DN sản xuất, kinh doanh bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
![]() |
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Tiến Thành vận chuyển hàng đến các đại lý trên địa bàn tỉnh. |
Ông Hoàng Văn Thao, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tiến Thành, Cụm công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng (TP Bắc Giang) cho biết: “Đơn vị đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng. Tuyệt đối không tăng giá sản phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Công ty luôn nhập hàng hóa của những đơn vị có thương hiệu trong nước, chất lượng bảo đảm”.
Được biết, ngay từ đầu tháng 10/2020, Công ty đã nhập dự trữ gần 200 tỷ đồng tiền hàng, tăng khoảng 25% so với năm trước. Các mặt hàng đợt này chủ yếu là: Bánh kẹo, rượu bia, nước ngọt, dầu ăn, gia vị các loại… Riêng mặt hàng sữa tươi số lượng tăng không nhiều. Công ty đang bố trí 35 xe trọng tải từ 2,5 đến 7 tấn, tăng gấp đôi so với những tháng thường vận chuyển hàng đi các huyện, TP.
Từ cuối tháng 11/2020, Siêu thị Big C Bắc Giang (TP Bắc Giang) nhập khoảng 100 tỷ đồng các loại hàng hóa phục vụ dịp Tết, trong đó phần lớn là hàng Việt Nam. Toàn bộ sản phẩm được niêm yết giá bán. Siêu thị cũng đang áp dụng một số chương trình khuyến mại, giảm giá đối với sản phẩm (nước ngọt, gia vị, bột giặt…) nhằm kích cầu mua sắm. Từ nay đến Tết Nguyên đán, siêu thị áp dụng nhiều chương trình khuyến mại khác, bảo đảm niêm yết giá công khai và không tăng giá đến sau Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng.
Tại một số cơ sở, DN chăn nuôi, chế biến, kinh doanh sản phẩm từ gia súc, gia cầm như: Hợp tác xã (HTX) Tín Nhiệm (TP Bắc Giang), Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh (Hiệp Hòa), HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế (Yên Thế), HTX Dịch vụ nông nghiệp Lúa Vàng (Yên Dũng)… cũng chuẩn bị nguồn hàng theo kế hoạch và tham gia bình ổn, cam kết không tăng giá đột biến.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Để giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, giá cả ổn định, Sở Công Thương đã triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Dịp này, dự kiến các DN, thương nhân trên địa bàn tỉnh sẽ chuẩn bị 1.870 tấn gạo, đỗ các loại; 2.474 tấn bánh, kẹo, đường, mứt, cà phê, chè; 2.157 tấn dầu ăn, nước mắm, mì chính, hạt nêm; 11.919 tấn thịt, rau, củ quả; 90 nghìn m3 xăng dầu và các hàng hóa khác. Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết đạt gần 3 nghìn tỷ đồng.
![]() Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương phối hợp cùng với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao để buôn bán hàng hóa kém chất lượng”. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương. |
Điểm mới năm nay là tất cả các đơn vị, DN, cửa hàng lớn, siêu thị, chợ đều chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, sản xuất, kinh doanh trong tình hình nếu có dịch Covid-19 xảy ra. Hoạt động này nhằm ứng phó kịp thời, phù hợp, bảo đảm đủ lượng hàng hóa tới người tiêu dùng.
Ông Hà Văn Hùng, Giám đốc Siêu thị BigC Bắc Giang cho biết: “Đề phòng trường hợp xảy ra dịch Covid-19, siêu thị bố trí hàng hóa thành từng dãy, khu vực riêng biệt cho bà con thuận tiện lựa chọn, mua sắm. Đơn vị sắm trang thiết bị phòng, chống dịch; phát triển hệ thống bán hàng online khi dịch xảy ra”.
Đối với các siêu thị: Co.op Mart, VinMart cũng chuẩn bị sẵn nhân lực để vận hành hệ thống bán hàng online trong trường hợp có dịch Covid-19. Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Dũng Tiến, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Tiến Thành dự trữ hàng nhiều hơn so với Tết năm ngoái bởi lo dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Số hàng hóa này đang được các đơn vị dự trữ trong kho.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo các DN, HTX tổ chức tốt kế hoạch phòng, chống dịch Covid - 19, bảo đảm an toàn cho người dân đến mua sắm, tham quan. Phân công cán bộ chuyên môn theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả, cung cầu hàng hoá, dịch vụ, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh để có phương án, tham mưu lãnh đạo Sở đề xuất biện pháp nhằm ổn định thị trường, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá cả.
Phối hợp cùng các địa phương tạo điều kiện cho DN tổ chức bán hàng lưu động tới vùng sâu, xa; khu, cụm công nghiệp.Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương cùng với lực lượng chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao để buôn bán hàng hóa kém chất lượng.
Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)