Chống lãng phí đầu tư công nhờ giám sát cộng đồng
Bài bản, trách nhiệm
Thời điểm này, UBND xã Danh Thắng (Hiệp Hòa - Bắc Giang) đang phối hợp với các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ 2 công trình xây mới 12 phòng chức năng ở Trường THCS và Trường Tiểu học. 9 thành viên của Ban giám sát ĐTCCĐ xã cũng luân phiên cắt cử người thường trực tại công trường.
![]() |
Thành viên Ban giám sát ĐTCCĐ xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) giám sát công trình xây mới phòng chức năng tại Trường Tiểu học Danh Thắng. |
Ông Nguyễn Tiến Thức, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, Trưởng Ban giám sát ĐTCCĐ xã cho biết: “Trước khi khởi công, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công cung cấp các tài liệu liên quan đến dự án. Sau đó nghiên cứu, kiểm tra sự phù hợp của tài liệu với các quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt trước đó.
Quá trình thi công, Ban tập trung theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của chủ đầu tư, nhà thầu; việc tuân thủ quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư của nhà thầu để kịp thời phát hiện nếu có lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc công trình”.
Đơn cử như công trình xây mới 8 phòng chức năng của Trường THCS Danh Thắng do UBND xã làm chủ đầu tư, kinh phí hơn 6,4 tỷ đồng. Qua giám sát, Ban giám sát ĐTCCĐ nhận thấy nơi thi công là đất ruộng xong phần móng chưa chắc chắn nên yêu cầu nhà thầu gia cố thêm sắt thép, bảo đảm an toàn. Ý kiến này đã được các đơn vị liên quan tiếp thu và thực hiện ngay.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Danh Thắng, gần 3 tháng kể từ khi khởi công cho đến nay, các thành viên Ban giám sát ĐTCCĐ thường xuyên có mặt trên công trường cẩn thận ghi chép, kiểm tra chất lượng gạch, xi măng, từng mẻ vữa. Nhờ vậy mà nhà trường thấy yên tâm hơn. Công trình hoàn thiện sẽ giúp trường đủ điều kiện công nhận lại trường chuẩn quốc gia mức độ 1.
Tại công trường xây mới nhà văn hóa tổ dân phố Nam Giang 1, phường Xương Giang (TP Bắc Giang), bà Hà Thị Sáp, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận tổ dân phố cho biết: "Phường khởi công xây nhà văn hóa quy mô 250 chỗ ngồi từ tháng 5/2022. Ngoài kinh phí hỗ trợ của cấp trên, tổ dân phố vận động nhân dân đóng góp hơn 400 triệu đồng".
Nhà văn hóa trước đây chật chội nên không đủ chỗ ngồi, khi công trình hoàn thiện sẽ bảo đảm không gian sinh hoạt, vui chơi cho người dân. Chi bộ họp, thống nhất chỉ đạo tổ dân phố thành lập tổ giám sát cộng đồng, phối hợp với Ban giám sát ĐTCCĐ phường. Vừa đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bà Sáp cùng các thành viên khác còn thường xuyên giám sát trực tiếp tại công trình, nhất là khâu kiểm đếm vật liệu xây dựng.
Được biết, từ năm 2019 đến nay, các Ban giám sát ĐTCCĐ trong toàn tỉnh đã tiến hành giám sát 4,1 nghìn công trình. Trong quá trình giám sát, các ban đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về chất lượng, chủng loại vật tư, thi công không đúng với thiết kế kỹ thuật ban đầu, kiến nghị chính quyền yêu cầu nhà thầu khắc phục.
Cấp ủy quan tâm, chính quyền phối hợp
Hiện nay, toàn tỉnh có 572 Ban giám sát ĐTCCĐ đang hoạt động với gần 3 nghìn thành viên. Các ban đã xây dựng quy chế hoạt động; thành viên là những người có uy tín, am hiểu chính sách, pháp luật.
![]() |
Vừa tham gia giám sát ĐTCCĐ, người dân vừa phối hợp thi công các hạng mục sửa chữa tại Trường Mầm non xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang). |
Bà Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: "Hoạt động của Ban giám sát ĐTCCĐ là một trong những hình thức giám sát quan trọng của MTTQ ở cơ sở nhằm phát huy dân chủ trực tiếp, động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc chấp hành, thực hiện chủ trương, chính sách của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân.
Đây là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong tham gia giám sát, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hoạt động này đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư.
Từ đó tạo đồng thuận trong triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH, góp phần giữ vững sự ổn định ngay từ cơ sở, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp".
Trong quá trình giám sát, các Ban giám sát ĐTCCĐ đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về chất lượng, chủng loại vật tư, thi công không đúng với thiết kế kỹ thuật ban đầu, kiến nghị chính quyền có biện pháp yêu cầu nhà thầu khắc phục. |
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức giám sát ĐTCCĐ, ông Nguyễn Mạnh Mười, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lạng Giang cho hay, hằng năm, MTTQ huyện đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn giám sát cho đại diện các ban.
Thường xuyên kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoạt động ở cơ sở và biểu dương điển hình, cách làm hiệu quả. Đồng thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo UBND bố trí kinh phí, điều kiện bảo đảm cho các Ban giám sát ĐTCCĐ hoạt động.
Để hoạt động giám sát phát huy hiệu quả, theo bà Diêm Hồng Linh, trước hết, cấp ủy các cấp cần nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của Ban giám sát ĐTCCĐ trong phát triển KT-XH. Trên cơ sở đó chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền để nhân dân, chủ đầu tư, nhà thầu hiểu và tích cực hợp tác, cung cấp thông tin liên quan.
Có cơ chế tài chính phù hợp, bảo đảm điều kiện hoạt động cho công tác giám sát. Các cơ quan chức năng khi tiếp nhận kiến nghị của Ban giám sát cần kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật và thông tin đầy đủ hình thức xử lý, khắc phục sai phạm tới ban.
Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nhiệm vụ chính trị ở địa phương và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát cụ thể. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kiểm tra thực hiện công tác giám sát; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực trong công tác giám sát cộng đồng.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)