Chiến sĩ áo trắng Bắc Giang tiếp nối lên đường vào miền Nam chống dịch
Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đến động viên, chia tay đoàn công tác.
Tình nguyện vào tâm dịch
![]() |
Đồng chí Mai Sơn động viên các thành viên đoàn công tác trước khi lên đường làm nhiệm vụ. |
Trong những ngày qua, số người nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19 vẫn tăng cao ở các tỉnh phía Nam. Nhiệm vụ chống dịch cực kỳ gian khổ và nguy hiểm; đã có những cán bộ, nhân viên y tế nhiễm bệnh, hy sinh. Nhưng không vì thế mà ngăn bước chân tình nguyện của rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế và cả các học viên ngành Y xung phong vào tâm dịch.
Ngày 30/8, 91 cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An. Đây đều là những cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có chuyên môn, kinh nghiệm chống dịch trong thời điểm dịch Covid-19 càn quét tỉnh Bắc Giang vừa qua đang làm việc tại các chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Hô hấp, Nội khoa, Ngoại sản, Kiểm soát nhiễm khuẩn.
Trong đoàn công tác có nhiều người là vợ, chồng, anh, chị em ruột đã sẵn sàng gác lại việc gia đình để lên đường vì sức khỏe của đồng bào. Nhiều sinh viên ngành Y sẵn sàng gác lại bút nghiên để xung phong vào tâm dịch với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế nói: “Lúc này, ngành Y tế tỉnh Bắc Giang cố gắng cao nhất hỗ trợ các tỉnh, TP miền Nam từ nhân lực, máy móc, trang thiết bị, sinh phẩm đến kinh nghiệm chống dịch nhằm giảm bớt những mất mát do dịch bệnh”.
![]() |
Đồng chí Mai Sơn tặng hoa đoàn công tác. |
Đoàn công tác đến chống dịch tại tỉnh Long An đợt 2 có 41 thành viên. Bác sĩ Nguyễn Thu Phương ( công tác tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) tham gia đoàn công tác cho biết: “Tôi đã đăng ký tình nguyện đi chống dịch từ lần trước nhưng do đông người tình nguyện lên đường nên đến đợt 2 này mới được xét duyệt. Biết là đi vào vùng trọng điểm của dịch bệnh vô cùng nguy hiểm nhưng với chuyên môn và kinh nghiệm trực tiếp điều trị cho bệnh nhân tại Bắc Giang đợt dịch vừa qua, tôi quyết tâm cùng đoàn công tác vào hỗ trợ đồng nghiệp, cứu chữa cho nhân dân ”.
Con gái chưa đầy 3 tuổi, chồng thường xuyên đi làm xa theo những công trình xây dựng, chị phải gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc. Động lực thôi thúc bác sĩ Phương lên đường là bởi thời điểm này, tỉnh Long An sẽ có nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 là trẻ em, phụ nữ mang thai đang rất cần sự giúp đỡ của bác sĩ nội nhi như chị.
Hết lòng vì người bệnh
Theo dõi các đồng nghiệp đang ngày đêm lăn lộn nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Chu Sỹ Thanh, Phó trưởng khoa Kiểm soát truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Yên Thế) được cử làm Trưởng đoàn công tác vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh đợt 2 cho biết: "Đoàn công tác có 31 người đều mong muốn nhanh chóng được vào hỗ trợ đồng đội. Lúc này, chúng tôi muốn được chung vai cùng đồng đội san sẻ bớt gánh nặng công việc đang quá áp lực và nguy hiểm như hiện nay".
![]() |
Đồng chí Mai Sơn và các y, bác sĩ thể hiện lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. |
Được biết, trong ngày 30/8, đoàn công tác hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An chống dịch đợt 1 cũng trở về để đoàn công tác đợt 2 tiếp tục vào hỗ trợ. Trong đó có 16 cán bộ (đợt 1) tiếp tục đăng ký ở lại “chia lửa” cùng đồng đội.
Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi, anh Giáp Văn Nghĩa, nhân viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong hai người đăng ký ở lại TP Hồ Chí Minh tiếp tục chống dịch cho biết: “Hiện tôi đang làm việc ở Bệnh viện Dã chiến số 10 (TP Thủ Đức). Dù rất vất vả nhưng chúng tôi vẫn muốn ở lại vì nhân lực chăm sóc người bệnh vẫn thiếu. Lượng người nhiễm mới tăng cao, mỗi ngày, nhân viên y tế chỉ có vài tiếng nghỉ ngơi còn lại dành toàn tâm, toàn lực cho người bệnh. Trong khi môi trường khắc nghiệt, không chỉ khi làm việc mà cả lúc ngủ và nghỉ ngơi, chúng tôi vẫn chủ động bảo hộ an toàn cho mình nên rất nóng nực và bức bối”.
Trong hơn một tháng qua, các đoàn công tác hỗ trợ các tỉnh, TP phía Nam chống dịch đã làm việc hết mình, không quản ngại gian khổ, nguy hiểm, nỗ lực giành lại sự sống cho người bệnh.
![]() |
Chia tay đoàn công tác lên đường làm nhiệm vụ. |
Tiếp bước đoàn công tác hỗ trợ chống dịch đợt 1 tại các tỉnh miền Nam, hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Bắc Giang tình nguyện lên đường đợt 2 luôn mong muốn mang hết khả năng để cứu sống người bệnh, quyết tâm cùng đồng nghiệp cả nước nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình an cho đồng bào miền Nam.
Trước ngày lên đường, các thành viên trong đoàn nhắc nhở, động viên, quán triệt cho nhau về tình hình những nơi đến công tác dịch diễn biến phức tạp, môi trường làm việc khắc nghiệt. Vì vậy, mỗi thành viên phải tuân thủ đúng nội quy, quy chế làm việc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mình và đồng đội. Bởi nếu nhiễm bệnh sẽ không giúp đỡ được người dân mà còn trở thành gánh nặng cho đồng nghiệp lúc này. Các bác sĩ, điều dưỡng lên đường chống dịch đợt 2 đều đã được tiêm vắc-xin, xét nghiệm Covid-19 trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ.
![]() |
Điều dưỡng Vũ Thị Ngọc Hà (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) chia tay con trai trước giờ lên đường làm nhiệm vụ. |
Biết rằng sẽ phải đối diện với những nhọc nhằn phía trước nhưng mỗi người đều nhận được sự động viên của gia đình, người thân, bè bạn để yên tâm cống hiến. Tiếp thêm sức mạnh cho đoàn công tác còn là sự quan tâm, khích lệ của lãnh đạo đơn vị, ngành Y tế tỉnh, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và ý chí của biết bao đồng nghiệp gửi gắm niềm tin vào đoàn công tác.
Tại buổi chia tay, đồng chí Mai Sơn ghi nhận và biểu dương tinh thần xung kích, không ngại khó, ngại khổ, tình nguyện vào "điểm nóng" chống dịch của mỗi cán bộ, nhân viên y tế trong chuyến công tác đặc biệt ý nghĩa này.
Đồng chí khẳng định, tham gia hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh, TP phía Nam vừa là tình cảm và cũng là trách nhiệm của mỗi chiến sĩ áo trắng trong bối cảnh người dân đang cần được chăm sóc sức khỏe. Bởi khi dịch bệnh bùng phát ở một số khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang, cả nước đã chung sức đồng lòng hỗ trợ. Không quên những ân tình đó, nay tỉnh Bắc Giang lại cùng cả nước hỗ trợ các tỉnh, TP miền Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đồng chí nhấn mạnh "giúp người là giúp mình, Bắc Giang chỉ hết dịch khi cả nước hết dịch", đồng thời mong muốn trong bối cảnh khó khăn, mỗi thành viên trong đoàn luôn đoàn kết, trách nhiệm với công việc, gắn bó mật thiết với đồng đội nơi nhận nhiệm vụ mới, tận tụy chăm sóc, phục vụ người bệnh chu đáo.
Đặc biệt, luôn nêu cao ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, bảo vệ an toàn cho mình và mọi người. Bằng chuyên môn và kinh nghiệm, các thành viên trong đoàn công tác sẽ nỗ lực hết mình hỗ trợ các tỉnh, TP phía Nam chống dịch hiệu quả, mang cuộc sống bình yên cho người dân nơi đây.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)