Cây thông già
Xã tôi giờ không khác gì thị trấn, phố xá ngang dọc bên đường. Cụ Kế gần tám mươi tuổi, cao gầy, tóc trắng xóa, trông hom hem. Vỉa hè trước ngôi nhà của cụ có cây thông già mảnh khảnh, khác hẳn những cây bóng mát được trồng ở khu phố này.
![]() |
Minh họa: Đinh Hương |
Người dân ở đây bảo, cây thông này trông vậy mà rất cứng cáp, dẻo dai. Mấy lần bão to, gió giật, khối cây khác ngả nghiêng, gãy cành mà cây thông vẫn vững vàng. Cây lặng lẽ tỏa những hoa nắng nhỏ bé ríu vào nhau, rì rào khi cơn gió thổi tới. Có đêm mùi nhựa thông thơm thoang thoảng toả vào nhà. Nhiều người khuyên cụ nên thay cây khác nhưng cụ chối từ. Hình như cây thông mảnh khảnh này có điều bí ẩn gì đó mà cụ phải trân trọng giữ gìn. Ấy là mọi người nghĩ vậy chứ cụ chả bao giờ nói ra.
Khi chúng tôi đến, cụ đang ngồi bên chiếc bàn cũ kỹ, bên cạnh là ấm trà nóng. Sạ kể với tôi, cụ Kế sống một mình đã vài năm nay, kể từ ngày bà cụ mất. Ông chưa muốn ra Thủ đô sống với con trai. Cụ bảo, bao giờ yếu mới tính đến chuyện đó. Có mấy đứa cháu đằng vợ hằng ngày vẫn qua lại đây thăm nom cụ.
Thấy hai chúng tôi bước vào. Cụ lên tiếng.
- Hai anh em đến đấy à? Ông cứ tưởng thằng cháu nội đã về.
- Vâng, anh em cháu đến thăm cụ.
Ông cụ thong thả rót trà mời khách, nét mặt ánh lên niềm vui khác với vẻ trầm tĩnh thường ngày.
- Thằng cháu nội ông có quyết định về huyện công tác đây. Nó muốn thế, chứ không đã công tác trên tỉnh. Nó bảo sẽ ở hẳn với ông, lấy vợ vùng này chứ không sống ở Hà Nội.
Thấy cụ Kế vui vui, Sạ gợi chuyện:
- Bạn cháu rất muốn nghe lại chuyện chiến đấu của ông thời chống Mỹ.
Ông cụ chầm chậm kể, như bao lần ông đã kể với lớp con cháu trong làng.
“Ông xung phong nhập ngũ khi mười tám tuổi dẫu lúc ấy đang học dở cấp ba. Sau mấy tháng luyện quân, ông được biên chế vào một trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Miền – một trung đoàn độc lập tác chiến trên địa bàn mười sáu tỉnh thuộc Tây Nguyên…
- Vậy ông có nhiều việc nhớ lắm? Tôi vội hỏi.
“Ừ, nhiều việc nhớ, nhớ suốt đời. Nhưng nhớ nhất là chuyện này, nhất là khi bưng bát cơm nóng hổi…
Tôi ngồi xích lại gần ông cụ. Giọng cụ đều đều chậm rãi, có lúc yếu ớt, tôi phải lắng tai mới nghe rõ.
Mùa khô năm 1974.
Đại đội 10 mà Lương Ngọc Kế là đại đội trưởng cùng với đại đội 15 có nhiệm vụ giữ chốt quyết không cho quân ngụy vượt qua. Chốt là dãy đồi rậm rạp cây cối, có con đường nhỏ vắt qua, là vị trí án ngữ quan trọng cả hai bên. Kế biết, Bộ Tư lệnh Miền đang chuẩn bị chiến dịch lớn để giải phóng một cứ điểm nào đó ở Tây Nguyên.
Kế đang ngồi nghĩ miên man trong hầm thì Bằng - Chính trị viên từ ngoài chui vào.
- Không hiểu hai đêm nay vì sao mà không thấy Đại đội 15 tiếp tế. Gay go quá anh ạ.
Kế bặm môi. Nửa tháng nay cả đơn vị chật vật cái ăn. Hôm có hôm không. Những ngày trước dù ăn không được no nhưng còn được ăn hằng ngày. Vừa rồi biết Đại đội 10 thiếu gạo, Đại đội 15 đã cử người đi đêm mang cơm nắm và nước uống tiếp tế. Mỗi chiến sĩ chỉ được phát một nắm cơm con con. Nhưng đây cũng là cố gắng rất lớn của đơn vị bạn vì họ đã phải bớt suất ăn của mình.
Thương chiến sĩ mà không biết làm cách nào. Lại càng nhớ tới Vinh, đứa em út của Đại đội mới mười bảy tuổi, mặt non choẹt, láu ta láu táu, ôm vai mình: “Nói thật với thủ trưởng, em thèm một bữa cơm no, ăn xong, chết tức khắc cũng được”. Vinh đã ngã gục trên miệng hầm khi xả một loạt đạn AK vào mấy tên lính ngụy dò dẫm trong rặng cây lúc bụng vẫn lép kẹp từ hôm trước.
Giặc tăng cường lùng sục. Dường như chúng biết tình cảnh của quân ta. Nhiều chiến sĩ hậu cần tiếp lương thực cho Đại đội 15, Đại đội 10 đều đã thương vong trên đường đi.
- Giá mà điện đài còn tốt… Bằng lầm bầm.
- Nếu thế thì còn nói làm gì.
Bộ đàm đã lâu không hoạt động vì pin yếu. Cả hai đại đội giữ chốt đã hơn tháng rồi. Một thời gian ngoài sức tưởng tượng ban đầu. Đại đội 10 có nhiệm vụ giữ chốt, còn Đại đội 15 ở phía sau cơ động tác chiến. Chẳng hiểu đại đội bạn còn bao nhiêu quân số chứ đại đội ông đã hao hụt nhiều. Lúc đầu là 120 người, khi được lệnh đến đây vẻn vẹn có 50 chiến sĩ vì chưa kịp bổ sung. Nhiều chiến sĩ trọng thương và hy sinh. Chốt vẫn được giữ vững.
Lại một loạt bom đạn của địch. Máy bay gầm rú quần thảo trên trời. Mặt đất lúc lúc lại rung lên bần bật. Những loạt đạn thi thoảng của hai bên bắn trả phá tan sự ngột ngạt không gian.
Ngày thứ 46. Có lệnh rút nhường cho đơn vị khác đến thay thế. Người ở đơn vị bạn đến báo tin đó. Mười hai giờ đêm, Đại đội 10 bí mật rời trận địa, đi một mạch đến vùng giải phóng lúc ba giờ sáng.
Ba mươi tư người, cả thương binh, phần đông cởi trần, quần đùi lặng lẽ di chuyển. Quần áo dài bê bết đất cọ sát gây bức bối, có khi bị rách nhiều chỗ nên các chiến sĩ đều vứt trên đường. Chỉ có Đại đội trưởng Kế và Chính trị viên Bằng còn nguyên bộ quần áo rách đôi chỗ và loang lổ bùn đất.
Bỗng Bằng reo lên khi nhìn thấy chiếc lán lấp ló trong rặng cây phía trước:
- Kho kia rồi.
- Kho gạo anh em ơi – Ai đó kêu toáng lên.
Cả đoàn quân rảo bước đi tới.
Kế đến gặp hai người lính giữ kho cũng tang tuổi như mình.
- Chúng tôi ở trận địa giữ chốt hơn tháng rồi, giờ được lệnh về căn cứ, đã đói mấy hôm nay. Đề nghị các đồng chí cấp cho chúng tôi ít gạo ăn một bữa. Tôi sẽ viết giấy để lại.
Một người lính gầy gò, chắc là phụ trách, nghiêm nghị:
- Chúng tôi không có quyền giải quyết. Đây là kho lương cho nhiệm vụ quan trọng của tỉnh đội. Phải có lệnh của tỉnh đội mới được xuất gạo.
Kế vẫn ôn tồn:
- Đồng chí nên linh hoạt giải quyết. Đây là trường hợp đặc biệt. Chúng ta đều là…
Hai người lính suy nghĩ, trao đổi với nhau rồi quay ra đồng ý xuất gạo nấu cho anh em Đại đội 10 một bữa cơm.
Hôm ấy cả đội quân được bữa ăn no sau nhiều ngày thiếu gạo. Kế ngồi ăn mà lại nhớ đến Vinh. Vinh ơi, giá mà… Đoàn quân lại đi tiếp rồi nghỉ dừng chân ở một bãi đất lưa thưa cây khộp. Giữa lúc ấy, một người cao lớn cùng tốp chiến sĩ đi tới. Kế nhận ra ngay là Đại tá Hai Tường, Sư đoàn trưởng. Trước khi bổ nhiệm làm Đại đội trưởng, Kế là Trung đội trưởng Trung đội Vệ binh của Trung đoàn nên đôi lần đã thấy ông đến trung đoàn. Ông Hai Tường xẵng giọng:
- Bộ đội đơn vị nào đây? Ai chỉ huy?
- Tôi - Kế dõng dạc.
- Cậu có biết tôi là ai không?
- Báo cáo, không ạ - Kế điềm nhiên.
- Tôi là Sư đoàn trưởng. Cậu ở đơn vị nào?
- Báo cáo, Đại đội 10, Trung đoàn 33.
Ông Hai Tường vội ôm chầm lấy Kế, kêu váng lên:
- Chu cha. Anh em Đại đội 10 giữ chốt hả? Một đại đội anh hùng. Những chiến sĩ anh hùng.
Ông tiến đến nắm tay Bằng và lần lượt các chiến sĩ.
* * *
Ông cụ nhấp hớp chè nhìn chúng tôi đang háo hức nghe:
“Bữa ăn no giữa núi rừng giúp anh em trong đơn vị có sức rút về địa điểm an toàn; tiếp tục cầm súng chiến đấu. Nhưng nhiều năm sau, ông vẫn áy náy về hai người lính trông kho, không biết họ ra sao sau khi cấp gạo sai quy định cho Đại đội 10”.
Ông cụ khẽ mỉm cười, giọng vui hẳn lên.
“Vậy mà sau này, ông lại gặp được một trong hai người lính trông kho. Hồi họp cựu chiến binh Trung đoàn 33 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, một ông đại tá về hưu thấy ông vội chạy đến cười vang, “ông còn nhận ra tôi không? Năm ấy, vì xuất gạo cho Đại đội 10 mà tôi bị kỷ luật đấy. Nhưng nhìn anh em ta như thế, không đành lòng. Hai chúng tôi trình bày rõ với cấp trên và tự nhận hình thức kỷ luật”. Ông và ông ấy suốt buổi trò chuyện không dứt. Ông ấy giữ bằng được ông ở lại mấy ngày. Tiếc là ông Hai Tường đã mất…”
“Trung đoàn ông oách lắm. Ông từng có mặt tại chiến dịch Tây Nguyên, lại đánh quân diệt chủng Pôn pốt ở Campuchia, bảo vệ biên giới phía Bắc, mặt trận Cao Bằng…”
Hẳn đã mệt, ông cụ dừng kể, lặng nhìn ra cửa sau, nơi có khu vườn.
- Đất nhà ông rộng, phải tới hơn sào. Vườn phía sau nhà ông toàn cây ăn quả. Nhà cháu hẹp lắm - Tôi nói.
Ông cụ bảo:
- Ngày trước vườn nhà ông rộng gấp mấy lần mảnh đất này.
Hỏi cụ tôi mới hay, ngày xưa đất hoang hoá nhiều, gia đình ông khai hoang rồi trồng hàng trăm cây thông trên quả đồi cằn cỗi đầy sỏi. Những cây thông ghi dấu bao kỷ niệm tuổi thơ. Năm tháng ở chiến trường, mỗi lần đi qua rừng thông là ông nôn nao nhớ nhà, nhớ cha mẹ và các em.
Sau này khu đồi thông có con đường rộng đi qua. Tỉnh quy hoạch khu vực này thành cụm công nghiệp, đất nhà ông cụ chỉ còn lại một phần. Khi xây căn nhà mới, vợ chồng ông cụ kỳ công đánh một cây thông mảnh khảnh về trồng trước cửa. Cây thông bao năm đứng đó, là kỷ niệm, là ký ức của người lính già.
Có ai đó ở bên đường gọi cụ. Cụ vội dậy, lững thững bước ra. Tôi cũng đi theo…
Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc (0)