Cấp cứu nhiều bệnh nhi bị dị vật găm vào cơ thể
Bác sĩ Đoàn Tiến Dương, Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu - Nam học cho biết: Khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhi 29 tháng tuổi ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang)
nhập viện trong tình trạng tiểu khó, đái ra máu.
![]() |
Hạt thóc được lấy ra từ niệu đạo của bệnh nhi Ngô Phương T. |
Theo lời kể của người nhà, dịp này mùa gặt, gia đình phơi thóc ở sân. Cháu đi tiểu xong ngồi chơi trên đống thóc. Khi vệ sinh thay quần áo, thấy bé khóc, chân co rúm, gia đình đưa cháu vào Trạm Y tế xã Tân Dĩnh, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật nội soi bàng quang sau gây mê gắp hạt thóc ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi sự chính xác trong thao tác và máy móc chuyên dụng nội soi đường niệu quản để thực hiện. Sau khi lấy dị vật bàng quang, sức khỏe của cháu bé bình thường và đã được ra viện ngày 13/6.
Trước đó, Bệnh viện cũng vừa cấp cứu một cháu bé nuốt cả que kẹo mút vào bụng. Bệnh nhi là cháu N.T.N, 4 tuổi.
Gia đình đưa cháu vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Qua thăm khám, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện cháu có dị vật hình ống dài khoảng 7cm đâm thủng ruột non.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Nam, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực – Chỉnh hình – Bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) cho biết: Chúng tôi đã nhanh chóng phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật và khâu lỗ thủng ruột non qua nội soi trong 1 giờ. Chiếc ống nhựa găm vào ruột non bệnh nhi đã được lấy ra. Sau phẫu thuật, cháu bé tỉnh táo, ăn uống được ngay và đã xuất viện.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cấp cứu 13 trường hợp bệnh nhi hóc, nuốt dị vật hoặc bị dị vật găm vào cơ thể. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc tương đương. Trong đó, phổ biến là hóc dị vật đường thở hoặc nuốt trôi xuống đường tiêu hóa, găm thủng nhiều bộ phận như: Ruột, dạ dày, gan, thậm chí đâm thủng cơ hoành vào màng phổi, màng ngoài tim gây nguy hiểm đến tính mạng. Dị vật lấy ra thường là thức ăn, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt.
Nhiều trường hợp hóc dị vật đã lâu ngày, gây ra các triệu chứng ho, viêm đường hô hấp dai dẳng, tái phát liên tục nhưng bệnh nhân và người nhà không biết. Đến khi được các bác sĩ khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh kỹ mới phát hiện.
Bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không cho trẻ em ngậm đồ chơi, vật dụng như đồng xu, cúc quần áo, viên bi, chìa khóa, còi. Nếu thấy các em nhỏ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây hóc không nên hoảng hốt la mắng mà cần bình tĩnh hướng dẫn trẻ bỏ ra khỏi miệng. Khi phát hiện các em nhỏ có biểu hiện bất thường nghi do dị vật cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, hiệu quả.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)