Các tỉnh, TP phối hợp đưa - đón lao động về quê: Tạm biệt Bắc Giang, hẹn ngày trở lại
Chặt chẽ, bảo đảm an toàn phòng dịch
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện có hơn 60 nghìn công nhân của 57 tỉnh, TP trong cả nước làm việc trên địa bàn tỉnh. Để giảm tải cho tỉnh Bắc Giang, hạn chế lây nhiễm chéo trong các vùng phong tỏa, cách ly, đồng thời giảm bớt những khó khăn khi vừa chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm hậu cần phục vụ người lao động chưa trở lại làm việc, từ ngày 10/6, “chiến dịch” đưa công nhân tạm thời trở về các địa phương được khởi động.
![]() |
Công nhân tỉnh Sơn La hoàn thiện các thủ tục trước khi tạm thời trở về địa phương. |
Từ ngày 10 đến 16/6, có 11 tỉnh, TP tổ chức đón tổng số hơn 4,1 nghìn công nhân trở về địa phương. Tuy nhiên, quá trình đón gặp một số khó khăn, bất cập như: Số lượng và danh sách công nhân thực tế khác với danh sách ban đầu (do một số người đã được doanh nghiệp đón trở lại làm việc, phát sinh thêm nhiều người có nhu cầu); việc tập trung lao động về địa điểm tập kết chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang hiện vẫn là vùng dịch nên cán bộ đến đón có tâm lý e ngại… Từ thực tiễn trên, sau khi thống nhất với huyện Việt Yên và được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở LĐTBXH đề xuất bổ sung phương án: Bắc Giang bố trí đưa lao động về các tỉnh, TP.
Đến ngày 23/6, có 19 tỉnh, TP đã đón hơn 13,3 nghìn lao động về địa phương, đạt 44,3% mục tiêu đề ra. Trong đó, có 12 tỉnh, TP đã cơ bản đón hết người lao động gồm: Thái Nguyên, Hà Nội, Hòa Bình, Yên Bái, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Giang. Từ nay đến 30/6, tỉnh sẽ thống nhất phương án với các địa phương để phấn đấu hoàn thành kế hoạch đưa tổng số 30 nghìn công nhân tạm thời trở về quê. |
Là một trong 4 tỉnh đầu tiên triển khai theo phương án điều chỉnh, hiện tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành đón hơn 1,3 nghìn lao động có nhu cầu về địa phương. Ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Hai tỉnh đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng kế hoạch bàn giao cụ thể, chi tiết. Với phương án này, chúng tôi chủ động hơn trong việc tổ chức tiếp nhận, bố trí người lao động các khu cách ly và lấy mẫu xét nghiệm lại để phân loại hình thức cách ly phù hợp. Đồng thời cán bộ làm nhiệm vụ yên tâm hơn khi không phải di chuyển đến vùng dịch".
Theo đánh giá của Tổ hỗ trợ đưa công nhân ngoài tỉnh về địa phương, dù thực hiện theo phương án nào thì nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là bảo đảm an toàn phòng dịch. Do vậy, Sở phối hợp với các ngành liên quan, hai huyện Việt Yên, Yên Dũng tổng hợp, cung cấp danh sách công nhân đến từng huyện, thị trấn gửi về tỉnh bạn trước một ngày. Toàn bộ số lao động này đều phải có giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly y tế và có kết quả xét nghiệm âm tính cách hôm khởi hành hai ngày.
Quá trình bàn giao bảo đảm yêu cầu phòng dịch như phun khử khuẩn khu vực tập kết; lao động phải sử dụng đồ bảo hộ và giữ khoảng cách khi lên, xuống xe; thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.
Nhằm chủ động các biện pháp phòng dịch, tỉnh Bắc Giang chủ động trao đổi, đề xuất các tỉnh, TP sau khi tiếp nhận lao động tại các điểm tập kết thì tổ chức khám sàng lọc. Sau đó phân loại từng trường hợp để áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp theo quy định.
Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, sớm đón công nhân trở lại
Ghi nhận tại nhiều điểm đưa - đón công nhân, hầu hết mọi người mong được về địa phương giữa thời điểm khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, họ cũng hy vọng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sớm hoạt động để công nhân trở lại. Chị Sùng Thị Mỷ (SN 1996), quê huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Cuộc sống ở quê khó khăn nên tôi theo mấy chị em trong xóm đến tỉnh Bắc Giang làm việc.
![]() |
Công nhân tỉnh Tuyên Quang lên xe về địa phương. |
Mới làm được 2 năm, bước đầu ổn định công việc thì dịch Covid-19 ập đến. Trong lúc khó khăn, được tỉnh Bắc Giang hỗ trợ cuộc sống, nay lại đưa về quê nên tôi thấy yên tâm. Mong dịch bệnh sớm qua để tôi cùng mọi người được quay lại tỉnh Bắc Giang làm việc”.
Việc đưa công nhân trở về địa phương là giải pháp tạm thời để giảm tải cho các địa bàn tập trung đông lao động. Khi đẩy lùi dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi, tỉnh Bắc Giang rất cần nguồn nhân lực dồi dào này. Thực tế hiện nay, công tác hỗ trợ các DN hoạt động trở lại đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Tỉnh đã phê duyệt phương án sản xuất trở lại cho 158 DN trong KCN với số lao động đăng ký gần 24 nghìn người. Tuy nhiên, hiện chỉ có 86 công ty chính thức hoạt động với 16 nghìn công nhân. Thời gian tới, đơn vị phối hợp với các ngành liên quan, huyện, TP đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ phương án sản xuất an toàn phòng, chống dịch của các DN.
Để bảo đảm điều kiện an toàn khi công nhân trở lại nhà máy, huyện Việt Yên đang tập trung rà soát, xây dựng nhà trọ an toàn trên cơ sở chuỗi sản xuất an toàn của tỉnh (công nhân an toàn - giao thông an toàn - doanh nghiệp an toàn - sản xuất an toàn).
Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: Số công nhân tạm thời trở về địa phương đều được theo dõi chặt chẽ về danh sách, địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Từ đó, căn cứ nhu cầu của DN, Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nắm bắt, chủ động phương án kết nối với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, TP bạn.
Xây dựng kế hoạch cụ thể, sẵn sàng đón công nhân trở lại Bắc Giang làm việc khi các KCN, DN tái hoạt động. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giám sát chặt chẽ, yêu cầu DN, người lao động chấp hành nghiêm các quy định, bảo đảm sản xuất an toàn.
Bài, ảnh: Tường Vi - Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)