Bộ trưởng Bộ Y tế: Chiến lược vaccine đang diễn ra thành công
Không tăng được mức độ bao phủ vaccine, rất khó khăn cho việc mở cửa
Theo Bộ trưởng, chiến lược vaccine đang thành công trên ba phương diện. Một là, vấn đề tăng mua, nhập khẩu vaccine. Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có các hợp đồng, thỏa thuận, hỗ trợ trên 191 triệu liều vaccine và trong thời gian tới đây sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn, qua đó bảo đảm việc thực hiện lộ trình cung cấp đủ hết tất cả vaccine cho người dân từ trên 18 tuổi, cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi; và nghiên cứu lộ trình để giảm độ tuổi tiêm chủng.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long . |
Phương diện thứ hai là tăng cường sản xuất, nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị trong nước. Theo Bộ trưởng, so với các nước trong ASEAN, Việt Nam đã có những sự chủ động từ rất sớm trong chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine thế hệ mới của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Cuba cũng như tự nghiên cứu sản xuất, với nỗ lực chủ động trong đại dịch, tránh bị ảnh hướng của việc đứt gãy quy mô và cả nguồn cung trang thiết bị, thuốc men, nhất là vấn đề vaccine trên toàn cầu.
Phương diện thứ ba là chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết cho đến thời điểm hiện nay, công tác tiêm chủng đang diễn ra tương đối thành công. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý một số địa phương, có nơi vẫn còn tiêm chậm và Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các hội nghị, có công điện chỉ đạo, hối thúc các địa phương tăng tốc tiêm. “Nếu chúng ta không tăng tốc độ tiêm, tăng được mức độ bao phủ vaccine thì rất khó khăn cho việc mở cửa, thực hiện kế hoạch thích ứng, an toàn và linh hoạt với dịch Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi phải có bước đi rất thận trọng
Liên quan đến việc tiêm chủng cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 12 tuổi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, trong báo cáo với Trung ương, Bộ Y tế đã mạnh dạn đề xuất nghiên cứu tiêm cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên nhưng phải phụ thuộc vào nguồn cung, chất lượng vaccine, trên nguyên tắc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết.
Bộ trưởng lưu ý trong khi trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể dùng vaccine như hiện nay cho người lớn, vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi lại hoàn toàn khác. Do đó, để có thể quyết định sử dụng, tiêm chủng vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi phải có bước đi rất thận trọng, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thêm rằng, “việc cấp phép và đưa vào sử dụng phải được tính toán rất kỹ, bởi vì tất cả vaccine hiện nay được phát triển cho giai đoạn rất ngắn và thời gian theo dõi chưa đủ lâu để có thể đánh giá hết tác động. Cho nên tại sao Bộ Y tế rất cân nhắc, rất kỹ lưỡng trong vấn đề sử dụng vaccine”.
Về nguồn vaccine và tiêm phòng vaccine trong năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết theo kết luận của Bộ Chính trị, cho đến hiện nay Chính phủ vẫn có trách nhiệm bảo đảm vaccine cho người dân và miễn phí.
Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường nhưng tiêm cho đối tượng nào, sau thời gian bao lâu, sẽ theo thông lệ chung của cộng đồng quốc tế, nhất là Tổ chức Y tế Thế giới, ít nhất là sau 6 tháng, cho một số đối tượng cụ thể và sẽ mở rộng dần. Bên cạnh đó, mặc dù đến nay y văn cũng như thực tế các nước trên thế giới chưa có đề cập đến tiêm mũi số 4, số 5 nhưng Bộ Y tế vẫn chuẩn bị cho kịch bản với vấn đề tổ chức tiêm như vậy.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, các ngành, đặc biệt là Bộ Y tế - cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch bảo đảm chủ động nguồn cung vaccine. Ngay cả thuốc điều trị, Bộ Y tế đã thử nghiệm trên một quy mô tương đối lớn và cho đến nay hiệu quả rất tốt. Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết số 86/NQ-CP, Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp dược nhập khẩu nguyên liệu trước khi có đăng ký sản xuất để chủ động nguồn cung về thuốc trong tương lai.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)