Bộ Giao thông Vận tải nhận trách nhiệm sau các sai phạm đăng kiểm
![]() |
Đại biểu Leo Thị Lịch, đoàn Bắc Giang tranh luận tại phiên chất vấn. |
Bộ không chủ động, chưa kịp thời phối hợp với các cơ quan để giải quyết vấn đề này. Nữ đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này và Phó Thủ tướng Lê Minh Khai nêu rõ bài học rút ra sau vụ việc.
Trả lời đại biểu Nhung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định sự việc xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm là sự cố "hết sức đau xót" với lĩnh vực đăng kiểm và ngành giao thông vận tải. "Bộ có trách nhiệm cùng Cục Đăng kiểm Việt Nam về những sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm thời gian qua", ông Thắng nói.
Tuy nhiên ông giải thích, khi lực lượng công an tiến hành điều tra, khởi tố, tạm giam các đăng kiểm viên, Bộ Giao thông Vận tải không thể đề nghị Bộ Công an báo trước.
Đơn cử, như khi công an khám các trung tâm đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị Bộ Công an tạo điều kiện là khi thu giữ máy móc, thiết bị, tài liệu niêm phong để phục vụ điều tra thì làm sớm, làm nhanh, sau đó bàn giao lại trung tâm đăng kiểm để Cục đăng kiểm tiếp quản và bố trí lực lượng.
Tuy nhiên, 75% các trung tâm đăng kiểm của tư nhân nên không phải muốn khôi phục là khôi phục ngay được, nhất là trong số những người bị khởi tố, bắt giam có nhân lực chủ chốt là đăng kiểm viên bậc cao. Đây là những người rất khó thay thế vì thông thường mỗi trung tâm chỉ có một người. Để đào tạo được một đăng kiểm viên bậc cao cần 1-1,5 năm. Theo Bộ trưởng, vấn đề đăng kiểm cơ bản được giải quyết, điều kiện cho các trung tâm đăng kiểm hoạt động cơ bản được bảo đảm.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phó đoàn Phú Thọ) đồng tình trong thời gian ngắn, Bộ có nhiều giải pháp ổn định các trung tâm đăng kiểm. Nhưng ông Nam đề nghị xác định trách nhiệm của Bộ trưởng Giao thông Vận tải và các địa phương trong thanh tra, giám sát kịp thời để phòng ngừa việc lợi dụng khi nhu cầu đăng kiểm tang cao.
Đại biểu Leo Thị Lịch (Thường trực Hội đồng Dân tộc) tranh luận, bày tỏ đồng tình việc Bộ trưởng nói chỉ cần đào tạo lãnh đạo, nhân lực thì các trung tâm đăng kiểm thì sẽ giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, bà nói rằng "Bộ trưởng mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề, còn phần gốc trọng tâm của vấn đề thì Bộ trưởng chưa trả lời làm rõ là nguyên nhân dẫn đến sự việc đã rồi".
Về trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành để xảy ra hàng loạt vi phạm tại các trung tâm đăng kiểm "có phải chăng khi xã hội hóa hoạt động kiểm định đã thiếu kiểm tra, giám sát, để xã hội hóa đăng kiểm đến mức mất kiểm soát, để các trung tâm đăng kiểm lộng hành".
Bà Lịch dẫn chứng như hàng nghìn ôtô hết niên hạn sử dụng phải nộp đăng ký biển số và bị cấm lưu thông nhưng những xe này vẫn được cấp giấy kiểm định và ngang nhiên lưu thông, gây nhiều hiểm họa cho người dân. Điển hình là vụ xe ôtô hết niên hạn đưa đón học sinh, gây tai nạn đau lòng. "Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ trưởng suy nghĩ gì về vấn đề này?", bà Lịch chất vấn và đề nghị Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm rõ thêm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói nguyên nhân sai phạm của các trung tâm đăng kiểm do chưa phản ứng kịp thời với thay đổi của chính sách. Nghị định 139 của Chính phủ có quy hoạch mạng lưới đăng kiểm, khi Luật Quy hoạch ra đời, các quy hoạch ngành không còn hiệu lực nên trung tâm đăng kiểm ở các địa phương nở rộ.
Chỉ 2 năm trung tâm đăng kiểm tăng lên 281, vượt cả mạng lưới đăng kiểm đến 2030. Chính vì việc trung tâm đăng kiểm nở rộ nên cạnh tranh không lành mạnh rồi dẫn đến tiêu cực. "Câu chuyện này có tham ô, cấu kết, có trách nhiệm và vấn đề đạo đức của các bộ phận từ lãnh đạo cấp phòng đến lãnh đạo Cục đăng kiểm Việt Nam", ông Thắng nhìn nhận.
Theo Bộ trưởng, việc này đã vô hiệu hóa công tác kiểm tra giám sát bởi "khi họ cấu kết với nhau, họ không thể lấy đá ghè chân mình". Nhận diện được vấn đề này, Nghị định 139 sửa đổi đã đưa vào yếu tố kiểm soát việc mở trung tâm đăng kiểm tại địa phương; phân quyền cấp phép mở dịch vụ đăng kiểm cho Sở Giao thông Vận tải địa phương và siết chặt quy định kiểm soát công tác đăng kiểm.
Đại biểu Lý Văn Huấn (Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên) chất vấn, các vi phạm trong đăng kiểm, sát hạch giấy phép lái xe đã kéo dài. Nhưng qua thanh tra ở 63 tỉnh thành, cơ quan chức năng không phát hiện sai phạm mà chỉ chuyển 6 vụ việc liên quan vi phạm sát hạch giấy phép lái xe cho công an. "Vậy chất lượng thanh tra do năng lực cán bộ hay nể nang, né tránh hay áp lực gì khác mà không phát hiện ra?", ông Huấn hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong đăng kiểm là do công tác thanh tra chưa tốt. Tuy nhiên, hoạt động đăng kiểm có đặc thù là tương đối khép kín, nên thanh tra chỉ kiểm tra trên hồ sơ, trong khi các sai phạm không nằm trong hồ sơ, "hồ sơ rất đẹp nhưng vẫn sai phạm".
Bên cạnh đó, đăng kiểm có hệ thống công nghệ thông tin để kiểm tra những yếu tố liên quan đến phương tiện, nhưng phần mềm này bảo mật kém nên dễ bị lợi dụng, can thiệp, làm thay đổi số liệu. Thanh tra với nghiệp vụ bình thường không phát hiện ra. Các tiêu cực khác như nhận tiền, tham nhũng cũng là ở ngoài hồ sơ, nên khó cho thanh tra. "Nhưng không thể phủ nhận là hoạt động thanh tra thời gian qua chưa làm hết trách nhiệm, chưa đạt yêu cầu", ông Thắng thừa nhận.
Ông nói, khi bắt đầu nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông yêu cầu làm ngay hai việc là thanh tra hệ thống đăng kiểm và thanh tra việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Khi đoàn thanh tra về báo cáo rằng chỉ có thể kết luận là "có dấu hiệu vi phạm can thiệp vào hệ thống giám sát thời gian và quãng đường của lái xe". Nhưng ông Thắng không đồng ý và nói rằng như vậy là chưa làm tròn trách nhiệm. Sau đó, ông yêu cầu tập trung lực lượng làm tốt công tác thanh tra.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)