Bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Trương Hòa Bình. Cùng dự có các Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
![]() |
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang |
Các đồng chí: Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thu Hồng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; các thành viên Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh, thành viên Ủy ban Bầu cử tỉnh; Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND các huyện, thành phố.
Triển khai nhiều nội dung quan trọng trong công tác bầu cử
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý, dân chủ sâu rộng trong nhân dân. Đây là Hội nghị quy mô lớn, có tầm quan trọng đặc biệt nhằm quán triệt và triển khai thi hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, kế hoạch triển khai, các thông báo, hướng dẫn về công tác bầu cử.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu tham dự tập trung nghiên cứu tài liệu, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần vào thành công của Hội nghị. Ngay sau Hội nghị, các cấp ủy, các tổ chức Đảng có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Trần Quốc Vượng trình bày Chỉ thị số 45 ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chỉ thị nêu rõ: Cuộc bầu cử dự kiến tiến hành vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị lớn của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.
Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở đất nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng kế hoạch cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử; làm tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; các tỉnh ủy, thành ủy thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử ở địa phương, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị bầu cử...
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được các đồng chí trong Hội đồng Bầu cử Quốc gia phổ biến, quán triệt một số Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: Chỉ thị số 02, ngày 14/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các Nghị quyết số 1185, 1186, 1187 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri; giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung; hướng dẫn xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái quán triệt một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện cho cuộc bầu cử. |
Các cấp, ngành, địa phương khẩn trương bắt tay ngay vào việc
Sau khi kết thúc Hội nghị trực tuyến của T.Ư, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái đã quán triệt một số nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng chí nhấn mạnh: Căn cứ chỉ đạo của cấp trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã chủ động triển khai các nội dung, công việc theo chỉ đạo của T.Ư.
Đến thời điểm này, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử, phân công xong nhiệm vụ cho các đồng chí thành viên. Trong đó, Ban Chỉ đạo bầu cử của tỉnh có 15 đồng chí do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban và hai đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Phó Ban Chỉ đạo.
BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 03, ngày 19/1/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có Quyết định thành lập Ủy ban Bầu cử của tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, đồng chí Dương Văn Thái yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung bắt tay ngay vào việc để chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra thực sự trở thành ngày hội của toàn dân. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh, Ủy ban Bầu cử tỉnh, các cơ quan sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ngay một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả cuộc bầu cử. Do vậy, các đơn vị phải chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các khâu, các bước để bảo đảm cuộc bầu cử thực sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật và là ngày hội lớn của toàn dân. Ngay trong tháng 1, các huyện, thành ủy cần thành lập ngay Ban Chỉ đạo bầu cử ở cấp mình, UBND cấp huyện, xã thành lập Ủy ban Bầu cử ở cấp mình.
Thường trực HĐND các cấp căn cứ vào quy mô, dân số của địa phương, nghiên cứu các văn bản, quy định, hướng dẫn thống nhất với UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp để ban hành nghị quyết, dự kiến về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND của cấp mình.
Đề nghị Ủy ban MTTQ các cấp xây dựng và ban hành kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện tốt quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND bảo đảm theo đúng quy định. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng và ban hành kế hoạch để hướng dẫn cấp dưới và các cơ quan truyền thông nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Công an tỉnh phối hợp với Bộ CHQS tỉnh chủ động nắm chắc tình hình, có phương án xử lý các tình huống nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)