Bắc Giang xây dựng nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh: Hình thành chuỗi liên kết, thúc đẩy tiêu thụ
Hỗ trợ nhiều nhóm sản phẩm
Năm 2019, Sở Công Thương hỗ trợ 10 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) xây dựng, phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh cho nhóm các sản phẩm: Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn và mỳ Chũ. Trong đó, đơn vị tập trung hỗ trợ bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc; tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng. Đến thời điểm này, các sản phẩm được hỗ trợ đều có nhãn mác bao bì bắt mắt, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng; hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ ổn định.
![]() |
Thành viên HTX mỳ Chũ Xuân Trường (Lục Ngạn) đóng gói sản phẩm vào bao bì mới. |
Nhờ đó, các đơn hàng ký kết bao tiêu ngày một nhiều hơn. Hiện tại, trung bình mỗi tháng HTX cung cấp hơn 80 tấn mỳ cho hệ thống siêu thị BigC và Tập đoàn VinGroup, tăng 10 tấn so với trước. Dịp trước Tết, đơn vị được một đối tác đặt 20 tấn bún tươi/tháng để xuất sang Hàn Quốc, giá bán cao hơn 30% so với thị trường trong nước.
Trên địa bàn huyện Yên Thế, những năm trước HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế và Công ty cổ phần Giang Sơn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do chưa làm được tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng dễ nhầm lẫn với gia cầm giết mổ ngoài chợ.
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế cho biết: “Đầu năm 2019, Sở Công Thương lựa chọn HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế và Công ty cổ phần Giang Sơn để hỗ trợ hơn 40 triệu đồng làm tem truy xuất nguồn gốc, bao bì cho các sản phẩm chế biến từ gà. UBND huyện cũng đã đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng giúp DN, HTX, người dân chăn nuôi bền vững”.
Theo đó, 2 đơn vị này đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm; khẳng định được vị thế trên thị trường. Hiện mỗi ngày, HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế và Công ty cổ phần Giang Sơn cung cấp hơn 3 tấn gà đã giết mổ, hơn 8 tạ giò, xúc xích... vào hệ thống các siêu thị: Coopmart, Hapro, BigC và nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi khác.
Ngoài hai nhóm sản phẩm trên, vải thiều cũng được tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất bao bì, tem, nhãn.
Tiếp tục nhân rộng
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Đề án xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021 đã góp phần thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông sản có quy mô lớn, tạo ra giá trị, tính cạnh tranh cao. Sản phẩm đạt chất lượng tốt có tem nhãn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế; dễ kết nối với nông sản cùng loại của các tỉnh trong vùng, miền để xuất khẩu.
![]() Năm 2020, UBND tỉnh phân bổ hơn 1,92 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh (trong đó các huyện hỗ trợ 400 triệu đồng) giúp các DN, HTX xây dựng, phát triển nông sản hàng hóa. Trong đó, tập trung vào 7 sản phẩm chính gồm: Mỳ Chũ; vải thiều Lục Ngạn; cam bưởi Lục Ngạn; chè xanh bản Ven; rượu làng Vân; nấm Lạng Giang; na Lục Nam”. Ông Lê Quang Tú, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương). |
Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận đạt tiêu chuẩn nông sản hàng hóa cấp tỉnh cho 10 đơn vị, gồm các HTX: Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Thuận Hưởng; Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể; Mỳ Chũ Xuân Trường; Sản xuất, kinh doanh tiêu thụ mỳ gạo Hiền Phước; Nông nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân; Sản xuất thương mại An Phát (Lục Ngạn); Nông nghiệp xanh Yên Thế (Yên Thế) và các công ty như: Cổ phần đầu tư Việt Lai Phát, TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo (Lục Ngạn) và Công ty cổ phần Giang Sơn, xã Đồng Tâm (Yên Thế). Đến thời điểm này, các đơn vị đều hoạt động hiệu quả, uy tín, liên kết tiêu thụ thuận lợi.
Nhiều đơn vị sau khi xây dựng bao bì, nhãn mác và gắn tem truy xuất nguồn gốc đã chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, kể cả quốc gia khó tính về chất lượng. Ví như, vải thiều Lục Ngạn sang Nhật Bản, Mỹ; nhiều sản phẩm mỳ của các đơn vị xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đức…
Xây dựng sản phẩm nông sản đạt tiêu chí hàng hóa cấp tỉnh cũng giúp các đơn vị, DN, HTX thuận lợi trong liên kết sản xuất. Đại diện Siêu thị BigC Bắc Giang cho biết, nhiều năm qua, đơn vị đã ký kết tiêu thụ sản phẩm mỳ Chũ Xuân Trường. Từ cuối năm 2019 đến nay, mỳ Chũ được cải tiến về mẫu mã, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, nhất là việc làm quà biếu, lễ Tết. Vì vậy, BigC Bắc Giang đã tăng quy mô đơn hàng, lên 40 tấn mỳ/năm.
BigC cũng đang tìm hiểu để liên kết với HTX Sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ gạo Hiền Phước, sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Thuận Hưởng để nhập thêm một số sản phẩm như: Bún khô, bánh phở… có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt đưa vào bày bán tại siêu thị.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, năm 2020, Sở Công Thương đề xuất tỉnh đầu tư hơn 1,92 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh (trong đó các huyện hỗ trợ 400 triệu đồng) giúp các DN, HTX trên địa bàn xây dựng, phát triển nông sản hàng hóa cấp tỉnh. Năm nay, đề án hỗ trợ tập trung vào 7 sản phẩm gồm: Mỳ Chũ; vải thiều Lục Ngạn; cam, bưởi Lục Ngạn; chè xanh bản Ven; rượu làng Vân; nấm Lạng Giang; na Lục Nam.
Ông Lê Quang Tú, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) thông tin: “Nội dung đề án sẽ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị sản xuất theo quy trình VietGAP, mở rộng vùng canh tác; làm tem truy xuất, nhãn mác, bao bì hàng hóa; đầu tư trang thiết bị, máy móc và quảng bá xúc tiến thương mại”. Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, hiện Sở Công Thương đang đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp các đơn vị đăng ký tham gia.
Sở sẽ tiếp tục tham mưu triển khai, nhân rộng các mô hình đã nghiệm thu và mang lại hiệu quả, giúp đẩy mạnh xuất khẩu các loại nông sản chủ lực của tỉnh. Đồng thời, gắn kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, người dân và DN trong quá trình sản xuất tiêu thụ, nâng cao chất lượng nông sản, giữ vững chữ tín và tăng hiệu quả kinh tế, vươn ra thị trường khó tính.
Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)