Bắc Giang ưu tiên phát triển hạ tầng số
Nỗ lực chuẩn bị cho chuyển đổi số
Trước sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
![]() |
Ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết công việc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Giang. |
Để làm được những việc trên thì trước tiên cần phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng.
Tại Bắc Giang, chuẩn bị cho phát triển hạ tầng số, chính quyền các cấp đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động, cải cách hành chính, tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, lấy người dân, DN làm trung tâm hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch.
Bắc Giang đã xây dựng, ban hành cơ chế chính sách về phát triển CNTT giai đoạn 2019-2022; Kế hoạch về chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng 4.0. Với sự chủ động, đến nay hạ tầng, nền tảng công nghệ hướng tới hạ tầng số có nhiều thuận lợi. Bắc Giang có trạm thu phát sóng phát triển mạnh, toàn tỉnh có 1.417 trạm thu phát sóng, phủ sóng 3G, 4G đến 100% xã, phường của tỉnh.
Ngoài trạm phát sóng, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh cũng được đầu tư bảo đảm an toàn an ninh thông tin, phục vụ tốt việc cung cấp, khai thác dữ liệu của các cấp, ngành. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều hành công việc được triển khai đến 100% cơ quan liên thông 4 cấp; tích hợp ký số trên phần mềm với 5.182 chứng thư số.
Hơn 15.000 tài khoản thư công vụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến xã để phục vụ công tác gửi, nhận văn bản điện tử. Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT trong giáo dục, y tế, nông nghiệp, giao thông và các lĩnh vực đời sống xã hội được quan tâm, hướng tới xây dựng nền tảng cho dịch vụ số, xã hội số và công dân số trong giai đoạn tới.
Hình thành DN công nghệ số địa phương
Ông Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, dù đạt được kết quả bước đầu nhưng việc triển khai hạ tầng số tại tỉnh vẫn có những “điểm nghẽn”. Đó là, hạ tầng CNTT thiếu đồng bộ; Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh quy mô nhỏ; thiết bị CNTT, phần cứng cấu hình thấp; hệ thống giám sát, điều hành thông minh và trung tâm giám sát an toàn thông tin của tỉnh chưa xây dựng. Chất lượng nguồn nhân lực CNTT còn hạn chế.
![]() Song hành với DN, mỗi người dân phấn đấu có một điện thoại thông minh. Từ nay đến hết năm 2025, Bắc Giang cần hoàn thành mục tiêu mỗi gia đình có một đường truyền Internet tốc độ siêu nhanh, vì đó là cơ sở để phát triển các nền tảng ứng dụng công nghệ số. Mỗi hộ gia đình cần có một mã bưu chính có thể tra cứu địa chỉ và các thông tin khác” Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. |
Trước những bất cập nêu trên, ông Tiến thông tin, để phát triển hạ tầng số, Sở đề xuất các giải pháp thực hiện theo lộ trình. Trước hết cần tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn xã hội trong việc xây dựng chính quyền điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, từ đó ưu tiên xây dựng hạ tầng số.
Tiếp đến triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách của T.Ư về xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển dịch vụ đô thị thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin để xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành như: Việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; triển khai hệ thống thông tin báo cáo; hoàn thành kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh.
Gợi mở về phát triển hạ tầng số nhân dịp cùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bắc Giang vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bắc Giang cần sớm có kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông. Thuận lợi của tỉnh là sẵn có một số DN viễn thông tiềm lực tài chính lớn song chính quyền nên đặt mục tiêu cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho DN này đầu tư hạ tầng số.
Các DN sẽ cùng nhau chung tay làm, chia sẻ hạ tầng để bớt đi phần kinh phí ban đầu. Điều này đồng nghĩa địa phương đã tự xây dựng cho mình một hệ thống các nhà cung cấp viễn thông; giúp cho chính quyền sớm đưa các chương trình ứng dụng như: Thương mại điện tử, ứng dụng kỹ thuật số, Chính phủ điện tử, thanh toán, khám, chữa bệnh từ xa… vào vận hành.
“Song hành với DN, mỗi người dân phấn đấu có một điện thoại thông minh. Từ nay đến hết năm 2025, Bắc Giang cần hoàn thành mục tiêu mỗi gia đình có một đường truyền Internet tốc độ siêu nhanh, vì đó là cơ sở để phát triển các nền tảng ứng dụng công nghệ số. Mỗi hộ gia đình cần có một mã bưu chính có thể tra cứu địa chỉ và các thông tin khác”- Bộ trưởng Bộ TT&TT nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay Bắc Giang chỉ có khoảng 25% người dân có tài khoản tại ngân hàng nên trong thời gian gần nhất 100% dân số phải có tài khoản trong ngân hàng. Các khu công nghiệp cần phủ sóng 5G trong năm nay hoặc chậm nhất là trong năm 2021 để đón làn sóng đầu tư mới, với các nhà máy thông minh nên cần phải có hạ tầng viễn thông 5G để phục vụ.
Chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, kinh tế số. Phát triển khoảng 2 nghìn DN công nghệ số địa phương để đưa ứng dụng CNTT vào mọi lĩnh vực KT-XH của tỉnh. Trung bình cứ một nghìn dân có một công ty công nghệ số vào năm 2025.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)