Bắc Giang: Tập huấn chuyên đề hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp
Tại đây, ông Đặng Đình Vỹ, Phó trưởng phòng Tuyên truyền-Hỗ trợ (Cục Thuế tỉnh Bắc Giang) trao đổi cụ thể Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Theo đó, hóa đơn điện tử gồm hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, các loại khác như tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện thoại, phiếu thu điện tử, phiếu xuất kho...
![]() |
Ông Đặng Đình Vỹ, Phó trưởng phòng Tuyên truyền-Hỗ trợ (Cục Thuế tỉnh) trao đổi về hóa đơn điện tử tại buổi tập huấn. |
Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn về dữ liệu được cơ quan thuế quy định.
Một số đơn vị sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế như: Doanh nghiệp kinh doanh điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, bảo hiểm, y tế…Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
![]() |
Các đại biểu tham dự tập huấn. |
Đại đa số đại biểu tham dự đều khẳng định sự tiện lợi, an toàn mà hóa đơn điện tử mang lại. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc vẫn gặp phải một số vướng mắc khi chuyển đổi hóa đơn điện tử thành chứng từ giấy; xử lý hóa đơn sai sót sau khi cấp mã...
Báo cáo viên giải thích, khi chuyển đổi thành chứng từ giấy, nguyên tắc quan trọng nhất là bảo đảm khớp nội dung giữa hai loại hóa đơn. Khi phát hiện sai sót sau khi cấp mã thì người bán hoặc mua nhanh chóng thông báo cho cơ quan thuế để hủy. Đồng thời, ký số và ký điện tử gửi cơ quan thuế để lập hóa đơn điện tử mới.
Được biết, từ ngày 1-1-2020, tất cả tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bán hoặc mua hàng hóa, cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đều phải sử dụng hóa đơn điện tử.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)