Bắc Giang: Tăng đầu tư chế biến, giảm áp lực tiêu thụ vải thiều tươi
Mở rộng chế biến
Là doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu nông sản, trước đây Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) chủ yếu tiêu thụ vải thiều tươi. Từ năm 2016, DN chuyển hướng sang chế biến sâu. Ngay năm đầu, DN đã thu mua, chế biến 100 tấn vải thiều đóng hộp, trong đó 80% xuất khẩu, còn lại tiêu thụ trong nước.
Đến năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, DN đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất tự động từ các khâu: Chạy quả, tách vỏ, bỏ hạt và đóng gói; đồng thời xây dựng nhà lạnh đáp ứng nhu cầu bảo quản khoảng 800 tấn vải thiều ở mức nhiệt -18 độ C, nhờ đó nâng công suất chế biến lên hơn 1 nghìn tấn. Để đáp ứng nhu cầu chế biến trong vụ vải thiều năm nay, DN vừa đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng kho lạnh hơn 1,5 nghìn m3 và bắt đầu thông báo tuyển 400 lao động thời vụ khi vụ thu hoạch vải bắt đầu.
Tương tự, nhiều DN đầu tư máy móc, phương tiện chuyển hướng sang chế biến. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) đã liên kết chế biến với các hợp tác xã sản xuất vải thiều tại huyện Tân Yên và Lục Ngạn, sản lượng dự kiến khoảng 3 nghìn tấn.
![]() |
Chế biến vải thiều đóng hộp tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco. |
Đặc biệt, vụ vải thiều năm nay, DN sẽ tăng sản phẩm vải thiều tươi cấp đông bằng công nghệ của Israel lên hơn 200 tấn (gấp 5 lần so với năm 2021). Áp dụng công nghệ này, quả vải giữ được màu sắc và độ ngọt sau 2 năm.
Công ty TNHH một thành viên Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu An Như, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) thuê 3 container của DN tại tỉnh Lạng Sơn để sấy vải bằng điện. Sấy vải thiều bằng điện sẽ rút ngắn gần nửa thời gian và giảm 2/3 nhân công so với sấy truyền thống. Để rộng đường xuất khẩu vải thiều chế biến, năm nay DN đã liên kết để đưa 300 tấn vào thị trường Ấn Độ. Nếu vận hành tốt, sản phẩm bảo đảm chất lượng, đơn vị sẽ thuê thêm 7 container trong vụ này.
Hỗ trợ, đưa công nghệ mới vào ứng dụng
Thực tế, vụ vải thiều năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ người trồng vải xây dựng lò sấy. Tại Yên Thế, UBND huyện hỗ trợ 1 triệu đồng/lò đối với lò có quy mô sấy dưới 2 tấn vải tươi/lượt; 2 triệu đồng đối với lò có quy mô 2 đến 5 tấn vải tươi/lượt và 4 triệu đồng với lò trên 5 tấn vải tươi/lượt. UBND huyện Lục Ngạn cũng chi 2,4 tỷ đồng để hỗ trợ người dân xây dựng lò sấy.
Đồng hành cùng người trồng vải, năm nay các địa phương tiếp tục khuyến khích người dân duy trì sấy vải; quan tâm mời gọi các DN đưa công nghệ cao vào chế biến. Theo ông Lê Tuấn Anh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lục Ngạn, cùng với tiêu thụ vải thiều tươi, đơn vị sẵn sàng các phương án, giải pháp tăng cường chế biến sản phẩm tại chỗ bằng hình thức sấy khô, chế biến công nghiệp và cấp đông kéo dài thời gian bảo quản.
Để giảm áp lực tiêu thụ, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương liên kết, mời gọi DN đến địa bàn đầu tư công nghệ chế biến. Đến nay, Sở phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu, đưa công nghệ sấy điện vào một số DN trên địa bàn huyện Lục Ngạn.
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ khảo sát, nghiên cứu một số công nghệ sấy mới; tăng cường hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ mới vào chế biến, bảo quản. Ông Triệu Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Hiện chúng tôi đang nghiên cứu đưa công nghệ sấy vải thiều sử dụng lò hơi để cung cấp nhiệt vào thử nghiệm ngay trong vụ này. Công nghệ này dễ vận hành, đồng thời khắc phục hạn chế về chất lượng cũng như độ đồng đều của sản phẩm”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)