Bắc Giang sản xuất thành công nhiều giống nấm cao cấp
Lợi nhuận lớn
Trước đây, khi mới bắt đầu tiếp cận trồng nấm, anh Nguyễn Tiến Hiền, thôn Đội Chính, xã Đại Hóa (Tân Yên) chỉ sản xuất giống nấm thông thường. Sau nhiều năm vừa trồng vừa tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, gần đây gia đình anh chuyển sang làm nấm rơm. Giống nấm này đòi hỏi quy trình khắt khe, điều kiện thời tiết cũng tác động không nhỏ đến sinh trưởng, phát triển nên người trồng phải có kinh nghiệm.
![]() |
Trồng nấm đùi gà trong nhà lạnh tại Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), xã Quế Nham (Tân Yên). |
Theo anh Hiền, nấm rơm dễ nhiễm nấm bệnh nên phải chú ý xử lý mầm bệnh ngay từ đầu, bảo đảm nguyên liệu sạch mới cho năng suất cao. Hiện giá bán mỗi 1 kg nấm rơm khoảng 80- 100 nghìn đồng, hai tấn nấm rơm của gia đình anh Hiền trị giá gần 200 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với nấm sò. Với lượng nguyên liệu trồng hơn 100 tấn nấm các loại/năm, tổng doanh thu của gia đình anh đạt hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 400 triệu đồng/năm.
Được biết, trên địa bàn huyện Tân Yên có hàng chục mô hình sản xuất nấm. Để hỗ trợ kiến thức và khâu tiêu thụ, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khuyến khích gia đình anh Hiền phối hợp với các hộ trồng nấm thành lập hợp tác xã (HTX), giúp nhiều hộ khác cùng làm giàu từ trồng nấm.
Không chỉ hộ anh Hiền, thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ nấm gắn với ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020, cơ quan chuyên môn đã hỗ trợ HTX, hộ sản xuất, tiêu thụ nấm kim châm, đùi gà, ngọc châm... Một số HTX, hộ dân được hỗ trợ gồm: HTX Nấm Anh Tú, xã Dương Đức; HTX Nông nghiệp Đại Phú, xã Phi Mô; HTX Tổng hợp An Phát, HTX Nông nghiệp Thành Đạt, xã Tiên Lục và HTX Mải Hạ, xã Tân Thanh (Lạng Giang); hộ ông Nguyễn Hữu Sơn, xã Minh Đức (Việt Yên)...
![]() Thực hiện đề án hỗ trợ sản xuất nấm, nhiều chủng loại nấm mới có giá trị cao như: Kim châm, ngọc châm, đùi gà, linh chi, đông trùng hạ thảo đã được đưa vào sản xuất thành công trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ áp dụng tự động hóa các khâu trong quá trình xử lý nguyên liệu, chăm sóc, thu hái, đóng gói, bảo quản sản phẩm được nâng lên". Ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. |
Các mô hình đều được hỗ trợ xây dựng khu sản xuất và sơ chế sản phẩm nấm, tập huấn kỹ thuật, qua đó nâng cao được năng lực sản xuất cho các HTX về cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm tổ chức sản xuất. Hằng năm, mỗi cơ sở có thể đưa vào sản xuất hàng nghìn tấn nguyên liệu, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Lợi nhuận của mỗi mô hình đạt hàng trăm triệu đồng đến hơn một tỷ đồng/năm.
Thu hút doanh nghiệp sản xuất nấm
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), đề án hỗ trợ sản xuất nấm đã kịp thời khuyến khích việc duy trì, nhân rộng các mô hình trồng nấm trên địa bàn tỉnh theo hướng liên kết chuỗi ứng dụng CNC; tạo nền tảng cho phát huy tiềm năng sẵn có của tỉnh sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu thành sản phẩm có thế mạnh.
Nhiều chủng loại nấm mới có giá trị cao như: Kim châm, ngọc châm, đùi gà, linh chi, đông trùng hạ thảo đã được sản xuất thành công trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình xử lý nguyên liệu, chăm sóc, thu hái, đóng gói, bảo quản sản phẩm được nâng lên. Đặc biệt, nhiều mô hình đầu tư phương tiện, thiết bị hiện đại, giảm phụ thuộc vào thời tiết. Nhờ vậy nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất.
![]() |
Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại xã Đông Hưng (Lục Nam). |
Bên cạnh đó, vẫn còn mô hình sản xuất nấm nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng, thường xuyên của thị trường, nhất là nấm phục vụ cho chế biến, xuất khẩu. Mặt khác, sản xuất nấm ứng dụng CNC đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn lực của chủ các mô hình (chủ yếu là hộ nông dân, HTX) rất hạn chế, khó tiếp cận được với các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Chưa thu hút được các doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư phát triển sản xuất nấm CNC.
Ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Để khắc phục hạn chế, thời gian tới, đơn vị tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nấm ứng dụng công nghệ hiện đại, cơ giới hóa, tự động hóa quy mô lớn, tập trung; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất nấm tại địa bàn”.
Lan - Thơm
Ý kiến bạn đọc (0)