Bắc Giang: Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, tăng tốc mạnh
Vượt mục tiêu
Theo kịch bản phát triển kinh tế của tỉnh, sau đại dịch Covid-19, hết tháng 7, sản xuất công nghiệp của tỉnh hồi phục, bằng 40% so với trước dịch và hơn 30 nghìn công nhân đi làm trở lại. Sở dĩ đưa ra mục tiêu này là do Bắc Giang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, các hoạt động kinh tế ngưng trệ. Tuy nhiên, chỉ vài ngày cuối tháng 6 đã có 39 nghìn công nhân đi làm trở lại.
![]() |
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH APS Vina, KCN Song Khê-Nội Hoàng. |
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, vượt 7 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch, gấp 2 lần so với tháng 6. Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 tăng 80% so với tháng trước. Tiếp đà tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 đạt hơn 27,5 nghìn tỷ đồng.
Theo Sở Công Thương, hiện nay, 6/6 khu công nghiệp (KCN), 30/30 cụm công nghiệp (CCN) đã hoạt động bình thường với hơn 270 nghìn lao động. Riêng DN trong các KCN hoạt động với quy mô, công suất tương đương trước dịch. Nhờ vậy, đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng.
Những số liệu này đã cho thấy, kinh tế Bắc Giang có sự phục hồi rõ nét, nhất là sản xuất công nghiệp. Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, một điều đáng mừng là sau đại dịch cho thấy, công nhân nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp hơn, góp phần tăng năng suất lao động. Từ đó, giúp DN “khỏe” hơn.
Tìm hiểu tại Công ty cổ phần VietNam Sunergy (Nhật Bản), KCN Đình Trám- chuyên gia công, lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời được biết, DN trở lại hoạt động từ giữa tháng 6.
Đến nay, Công ty có hơn 600 công nhân đang làm việc. Công nhân đến xưởng tuân thủ nghiêm quy trình phòng dịch và định kỳ được Công ty tổ chức xét nghiệm Covid-19 nhằm phát hiện kịp thời và ngăn ngừa lây nhiễm diện rộng. Kiểm soát tốt dịch Covid-19, Công ty duy trì sản xuất ổn định.
Đặc biệt, các DN quy mô lớn đang phục hồi sản xuất nhanh, hiện đã sử dụng lao động ở mức cao hơn thời điểm trước dịch, điển hình như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải gần 37.000 người; Tập đoàn Luxshare gần 34.000 người...
Có thêm nhiều DN mới được chấp thuận đầu tư, đi vào hoạt động trong tháng 7, tháng 8 tại các KCN tỉnh. Riêng thu hút vốn đầu tư FDI vào các KCN tại Bắc Giang tiếp tục đạt cao. Điều đó cho thấy, Bắc Giang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo khôi phục sản xuất
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương, Bắc Giang được nhìn nhận như một điển hình trong thực hiện “mục tiêu kép” nhờ công tác khôi phục sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại của tỉnh đã đạt kết quả tích cực, vượt xa chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Các DN đã rất cố gắng để quay trở lại sản xuất và cơ bản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Một trong những giải pháp quan trọng để Bắc Giang đạt được kết quả này là nhanh nhạy, sáng tạo. Bên cạnh thắt chặt phòng chống dịch (PCD) là khôi phục sản xuất. UBND tỉnh đã kịp thời thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) tỉnh và các tổ giúp việc BCĐ để hỗ trợ DN phục hồi, duy trì sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên tất cả các lĩnh vực.
![]() Cần nhanh chóng phục hồi sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Hướng dẫn, hỗ trợ DN xây dựng phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất bảo đảm an toàn với phương châm “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”. Lãnh đạo tỉnh cũng luôn lắng nghe và xử lý kịp thời các kiến nghị, phản ánh của DN, người lao động”. Đồng chí Lê Ánh Dương. |
Giai đoạn đầu, tỉnh tập trung cao hỗ trợ DN trong các KCN, trong đó giải quyết các khó khăn, vướng mắc chính như: Hỗ trợ DN có phương án sửa chữa, lập ký túc xá tạm làm nơi ở tập trung cho công nhân ngay trong khu vực sản xuất; huy động một số trường học đang trong thời gian nghỉ hè và rà soát, thẩm định, chấp thuận danh sách các cơ sở lưu trú bảo đảm điều kiện phục vụ công nhân. Đây là sáng kiến “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ cho công nhân) để sớm đưa nhà máy mở cửa trở lại. Cùng với biện pháp trên, tỉnh ban hành các quy trình, hướng dẫn và thực hiện việc xác nhận điều kiện an toàn cho công nhân có nhu cầu quay trở lại làm việc.
Hỗ trợ đưa đón người lao động đến nhà xưởng. Tỉnh cũng thành lập bộ phận thường trực giám sát dịch trong KCN, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng dịch an toàn; kịp thời củng cố các lỗ hổng trong phòng dịch; hỗ trợ hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, thiết bị được thông suốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất của DN.
Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đã linh hoạt điều chỉnh hoạt động hỗ trợ không chỉ trong KCN mà cả các CCN và ngoài khu, CCN. Ông Maeng Heesoo, Giám đốc Công ty TNHH APS Vina, KCN Song Khê - Nội Hoàng chia sẻ, khi DN mới hoạt động trở lại sau một thời gian đóng cửa đã được cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể.
DN cải tạo nhà xưởng làm phòng ăn, nghỉ cho công nhân. Vì thế, DN vận hành dây chuyền sản xuất từ đầu tháng 6. Hiện nay, mỗi tháng, Công ty cung cấp khoảng 30 triệu sản phẩm băng dính, một trong những linh kiện cho sản phẩm của Tập đoàn Sam Sung, bảo đảm đơn hàng không bị đứt quãng.
“Sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”
Trên cơ sở đánh giá thực tế tình hình khôi phục kinh tế của tỉnh cho thấy, việc khôi phục sản xuất công nghiệp vẫn gặp những khó khăn. DN vừa và nhỏ phục hồi chậm hơn. Việc tuyển dụng mới lao động chưa đáp ứng đủ quy mô, công suất hoạt động. Số lượng công nhân đi làm hằng ngày bằng phương tiện cá nhân rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về PCD và giao thông.
Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu hết tháng 8/2021 lấy lại đà tăng trưởng trước khi có dịch và phấn đấu tăng trưởng mạnh hơn giai đoạn trước dịch. Vì vậy, cần bảo vệ sản xuất tại các DN trong, ngoài khu, cụm công nghiệp, tạo mọi điều kiện để DN hồi phục và tăng tốc. Để làm được điều này, trước tiên coi công tác PCD trong sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Yêu cầu các DN thành lập và duy trì hiệu quả Tổ an toàn Covid-19.
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các DN xây dựng các kịch bản để sẵn sàng xử lý tình huống có thể xảy ra. Đẩy nhanh tiến độ và đề nghị 100% DN trong KCN, CCN phải cài đặt, cập nhật phần mềm quản lý và truy vết Covid-19. Quan tâm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong việc tuyển dụng lao động mới; có giải pháp linh hoạt giúp DN đón lao động ngoài tỉnh, nhất là đội ngũ chuyên gia, lao động tay nghề cao.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải đủ điều kiện thực hiện đưa đón người lao động nhằm giảm dần lượng công nhân đi làm hằng ngày bằng phương tiện cá nhân. Kiên trì với mục tiêu nhà trọ an toàn của công nhân là giải pháp quan trọng giúp PCD hiệu quả và duy trì sản xuất an toàn.
Liên quan đến phục hồi kinh tế, phát biểu tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 8, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh cần nhanh chóng phục hồi sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Hướng dẫn, hỗ trợ DN xây dựng phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất bảo đảm an toàn với phương châm “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”. Lãnh đạo tỉnh cũng luôn lắng nghe và xử lý kịp thời các kiến nghị, phản ánh của DN, người lao động.
Bài, ảnh: Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)