Bắc Giang: Nghề mộc sôi động dịp cuối năm
Giá bán tăng, hàng bình dân hút khách
Dọc quốc lộ 389, đoạn qua địa phận thôn Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) từ sáng sớm tới đêm, các xưởng làm đồ gỗ rền vang tiếng máy cưa, xẻ... Công nhân hăng say hoàn thiện sản phẩm nội thất trả khách đúng hẹn.
![]() |
Thợ mộc thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) hoàn thiện sản phẩm. |
Đang nhanh tay cho sơn vào bình để phun bộ bàn ghế, anh Hà Thành Duẩn, chủ xưởng mộc Thành Duẩn, thôn Bãi Ổi cho hay: “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tháng liên tục cửa hàng vắng khách, công nhân phải nghỉ việc. Từ cuối tháng 10 trở lại đây, nhu cầu sử dụng đồ nội thất bắt đầu tăng, khách tới đặt hàng đông gấp nhiều lần so các tháng trước".
Được biết, chỉ riêng tháng 11, xưởng có gần 100 đơn hàng mới, khách nhận trước Tết. Từ nửa tháng qua, chủ xưởng đã ngừng nhận đơn hàng, tuyển thêm 5 lao động thời vụ, làm việc cả ngày đến đêm. Nhiều hôm xưởng thắp đèn tăng ca.
Theo đại diện Ban Giám đốc Hợp tác xã mộc Bãi Ổi, sản phẩm của làng nghề chủ yếu là: Giường, tủ, bàn, ghế, kệ, sập, đồng hồ, con vật phong thủy… Thôn có gần 200 hộ dân thì khoảng 50% theo nghề mộc, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức lương từ 6 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Thời điểm này, làng nghề mộc khá sôi động, số lượng lao động làm việc tăng gấp 3 lần so với tháng trước nhưng sức tiêu thụ giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Điểm khác biệt là giá bán các sản phẩm đồ gỗ cao hơn so với đầu năm từ 1,5 đến 8 triệu đồng/bộ sản phẩm, tùy kích cỡ, hình thức gia công và chất liệu. Cụ thể, giá bộ ghế Tần Thủy Hoàng gỗ hương đá có giá 48 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng so với đầu năm.
Hiện Bắc Giang có hơn 400 làng có nghề, 39 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, làng nghề mộc hoạt động rất hiệu quả và mang lại thu nhập cao nhất cho người dân làm nghề. |
Tương tự, làng nghề mộc thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) cũng sôi động trở lại sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, đồng thời đón bắt nhu cầu tiêu dùng lớn dịp cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, chủ hộ có hơn 30 năm làm nghề thông tin: “Khách hàng sắm đồ gỗ dịp này có giảm hơn năm trước do ảnh hưởng dịch bệnh. Phần lớn người dân lựa chọn dòng hàng làm từ gỗ nội, giá bình dân. Sản phẩm đắt tiền, thiết kế bằng gỗ nhập từ nước ngoài rất ít người đặt. Tôi có 30 đơn hàng phải trả từ nay cho đến Tết nhưng chủ yếu là giường, kệ, bàn thờ làm bằng gỗ xoan và mít, giá từ 4 đến 20 triệu đồng/sản phẩm”.
Không chỉ gia đình ông Tuyên, hầu hết các hộ làm mộc ở thôn Đông Thượng cũng chỉ bán chạy những sản phẩm giá bình dân.
Ở các làng nghề mộc thuộc xã Mai Đình (Hiệp Hòa), dọc tuyến đường trục chính vào làng, các phương tiện vận chuyển đồ mộc và xe chở khách đến giao dịch nhộn nhịp. Khác với năm trước, đồ gỗ của làng nghề chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, do ảnh hưởng của dịch nên không xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Giữ chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh
Nguyên nhân giá sản phẩm đồ gỗ tăng, người dân lựa chọn những mặt hàng tầm trung, sức mua giảm hơn cùng kỳ là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu đầu vào cao, nhất là gỗ nhập khẩu, trong khi thu nhập của người dân thấp, tâm lý thắt chặt chi tiêu.
Tuy nhiên, để tạo dựng thương hiệu, người làm nghề vẫn đặt chữ tín làm đầu, không chạy theo số lượng, chú trọng chất lượng, nhất là lựa chọn kỹ gỗ trước khi làm ra sản phẩm đồ mộc tinh tế. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của các hộ vẫn đạt từ 200 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/hộ/năm.
Các hợp tác xã, hội sản xuất đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cách tiếp cận thị trường trong nước, quốc tế. Ví như, Hội nghề mộc Đông Thượng, xã Lãng Sơn có 60 hội viên, năm qua đã tổ chức nhiều buổi học tập kinh nghiệm tại những làng nghề nổi tiếng như: Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh); Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội)... để nâng cao tay nghề. Nhiều hội viên đã chủ động đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh và tăng thu nhập.
Cùng đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ làng nghề đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nâng cấp hệ thống giao thông, đường điện. Bởi vậy, các làng nghề mộc phát triển theo hướng hiện đại hóa và ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong nước, quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, xác định giữ vững thương hiệu, mở rộng thị trường, duy trì và phát triển các làng nghề mộc là một trong những nội dung quan trọng của ngành, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị và quảng bá sản phẩm, nâng cao hơn nữa chất lượng để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, dù thị trường đồ gỗ dịp này có trầm lắng hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn rất sôi động, nhất là sản phẩm nội thất. Vì vậy, để tránh tình trạng trà trộn gỗ chất lượng kém vào sản phẩm đắt tiền trục lợi, khách hàng nên mua đồ ở cơ sở uy tín, hạn chế đặt hàng trên mạng Internet.
Ý kiến bạn đọc (0)