Bắc Giang: Hiệu quả từ việc xử nghiêm vi phạm nồng độ cồn
![]() |
Cán bộ Đội CSGT, Công an huyện Tân Yên kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển ô tô trên quốc lộ 17 đoạn qua thị trấn Cao Thượng. |
Anh N.V.N ở thị trấn Vôi (Lạng Giang) vừa đi nộp phạt 7 triệu đồng và lấy chiếc xe máy về sau khi bị xử lý vì vi phạm nồng độ cồn, anh nói: “Tuần trước, tôi có tham gia một cuộc liên hoan, vì chủ quan cho rằng nhà gần nên tôi uống khá nhiều rượu. Đến tối, khi điều khiển xe máy ra quốc lộ 1 để về nhà, tôi bị tổ công tác của Phòng CSGT, Công an tỉnh dừng xe kiểm tra và xử phạt, tạm giữ xe máy, riêng giấy phép lái xe bị tước quyền sử dụng đến 24 tháng. Giá như hôm đấy tôi không uống rượu thì đã không lâm vào hoàn cảnh này, giờ thì không dám đi đâu vì không có giấy phép lái xe”.
Theo tổng hợp của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, chỉ trong tháng 3, lực lượng chức năng toàn tỉnh xử lý gần 3.400 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, trong đó có hơn 850 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tính chung 3 tháng qua có gần 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý. Nhiều trường hợp vi phạm ở mức “kịch khung” được phát hiện và xử lý kịp thời. Đơn cử như anh V.C.C (SN 1972) ở thị trấn Kép (Lạng Giang) điều khiển xe ô tô nhưng trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở và “4 không”: Không mang theo giấp phép lái xe, không đăng ký xe, không giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, không giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực. Anh C bị xử phạt tổng số tiền 36,4 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng.
Trường hợp anh T.V.T (SN 1984) ở xã Nội Hoàng (Yên Dũng) là một ví dụ khác, anh T điều khiển xe ô tô nhưng không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ và không có giấy phép lái xe. Anh T bị xử phạt với tổng số tiền 46 triệu đồng.
![]() |
Cán bộ Đội CSGT, Công an huyện Lục Nam kiểm tra nồng độ cồn người đi xe máy trên đường tỉnh 293. |
Việc mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông giảm mạnh thời gian qua. 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 41 người. So với cùng kỳ năm 2022 giảm 30,6% số vụ, gần 43% số người chết và hơn 28% số người bị thương. Các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, số vụ nhập viện do tai nạn giao thông giảm nhiều (khoảng 20-30%) so với năm trước. Tình trạng nạn nhân tai nạn giao thông có dấu hiệu sử dụng bia, rượu trong những dịp nghỉ lễ, cuối tuần cũng giảm, các bác sĩ, nhân viên y tế vì thế cũng đỡ áp lực, tập trung cứu chữa cho các ca bệnh khác.
Đồng tình với việc lực lượng CSGT xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, chị N.H.N ở phương Trần Phú (TP Bắc Giang) nói: “Trước đây, chồng tôi và một số bạn bè cuối ngày hay rủ nhau uống bia hoặc ăn cơm, uống rượu, nhiều lần say dẫn đến mệt mỏi nhưng vẫn tiếp tục điều khiển xe máy, ô tô đi uống nước, hát karaoke… làm tôi rất lo lắng. Thế nhưng từ khi lực lượng CSGT liên tục tuần tra, xử lý thì chồng tôi giảm hẳn việc uống bia, rượu. Tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm này vì vừa bảo vệ sức khỏe, vừa bảo đảm an toàn cho người dân”.
Trao đổi với Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh được biết bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, lực lượng CSGT toàn tỉnh huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ. Lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo Phòng CSGT và công an các huyện, TP xây dựng kế hoạch chuyên đề tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn vào các giờ cao điểm mà người tham gia giao thông có thể đã uống rượu, bia như sau buổi trưa, buổi tối và ở các địa điểm nhiều nhà hàng, quán ăn… các tuyến đường mà nguy cơ xảy ra tai nạn cao.
Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu kiên quyết xử lý tất cả các đối tượng vi phạm về nồng độ cồn, không được can thiệp vào quá trình xử lý, không có “vùng cấm”. Đây sẽ là việc làm thường xuyên của lực lượng CSGT, quanh năm là cao điểm, không chủ quan, lơ là trước kết quả đã đạt được.
Qua đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của nhân dân, hình thành thói quen "Đã uống rượu, bia - Không lái xe", góp phần làm giảm tai nạn giao thông có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Đồng thời ngăn ngừa, không để xảy ra các vụ án, vụ việc do uống rượu, bia gây ra như đánh nhau, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ…
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)