Bắc Giang: Doanh nghiệp vận tải nỗ lực vượt khó
Bộn bề khó khăn
Sau mấy tháng nằm “đắp chiếu”, hàng chục xe ô tô của Công ty cổ phần Thương mại - Du lịch Trung Việt bị phủ một lớp bụi dày, nhiều xe không có nhà để mái che đành phơi nắng mưa. Đại diện DN cho biết, trên địa bàn tỉnh trước khi xảy ra dịch Covid-19 có hơn 60 xe hoạt động, mỗi ngày có khoảng 300 cuộc gọi đặt xe, thu nhập của lái xe từ 7-10 triệu đồng/tháng.
![]() |
Nhiều xe taxi 559 được kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng để sẵn sàng hoạt động trở lại. |
Khi dịch bùng phát, DN dừng hoạt động, đội ngũ lái xe không có việc làm. Toàn bộ chi phí về khấu hao xe, gửi xe, tiền vay lãi ngân hàng, phí tần số… mỗi tháng DN phải trả gần 130 triệu đồng trong khi doanh thu không có. “Chúng tôi lo nhất là sau khi tình hình ổn định không tuyển được lái xe vì từ thời điểm xảy ra dịch bệnh, nhiều người đã chuyển sang làm nghề khác để mưu sinh”, ông Đoàn Việt Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty nói.
Với Hợp tác xã (HTX) Vận tải- Thương mại Nội Thành, áp lực duy trì hoạt động cũng nặng nề không kém. Ông Ngô Văn Kế, Giám đốc HTX cho biết, toàn bộ gần 30 xe chạy các tuyến đường dài vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hầu hết là xe giường nằm cao cấp, vốn đầu tư lớn đã “nằm một chỗ”. Xe chạy nội tỉnh và đi Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn cũng trong tình cảnh tương tự. Doanh thu của HTX sụt giảm hơn 80%.
Khảo sát tại một số DN vận tải khác đều cho thấy bị tác động lớn đến hoạt động và doanh thu. Đơn cử như Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang riêng tháng 5/2021 lỗ nặng; Công ty TNHH kinh doanh vận tải Hoàng Tiến (Lạng Giang) có 30 xe công-ten-nơ nhưng nhiều tháng nay không có lãi, chi phí tăng cao… Theo Sở kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn, vận chuyển hành khách chỉ đạt gần 92 nghìn lượt người, giảm 19%; vận chuyển hàng hóa khoảng 10.440 nghìn tấn, giảm 16%.
Đề xuất giãn, chậm nộp thuế, phí
Trên thực tế, hầu hết các DN vận tải trên địa bàn tỉnh đều chấp hành nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, ngừng dịch vụ vận chuyển hành khách trên các tuyến… Tuy nhiên nếu tiếp tục như thời gian qua sẽ tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của các DN vận tải, thậm chí có thể là phá sản.
Theo Sở kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn, vận chuyển hành khách đạt gần 92 nghìn lượt người, giảm 19%; khối lượng vận chuyển hàng hóa khoảng 10.440 nghìn tấn, giảm 16%. |
Hiện nay, các DN vận tải đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng trở lại kinh doanh ngay sau khi được phép và tình hình dịch bệnh được giải quyết. Hàng trăm đầu xe được sửa chữa, bảo dưỡng sau thời gian dài không hoạt động. Các lái, phụ xe được liên hệ để kiểm tra sức khỏe, bố trí công việc.
Kinh nghiệm qua các đợt dịch là để tìm cách thích ứng buộc mỗi DN có các biện pháp khác nhau như HTX Vận tải-Thương mại Nội Thành kiên trì đi theo cách “hai chân”, nghĩa là duy trì đồng thời cả vận tải hành khách và hàng hóa. Trong khi mảng vận chuyển hành khách dừng hoàn toàn thì vận tải hàng hóa của HTX lại tăng trưởng mạnh. 15 đầu xe tải từ 1 đến 10 tấn luôn có việc, nhận chở hàng theo hợp đồng, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu. Doanh thu từ vận tải hàng hóa những tháng qua của HTX tăng khoảng 80%.
Với Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang, Công ty TNHH Bắc Hà và nhiều DN vận tải hành khách khác thời gian qua đồng hành cùng tỉnh tập trung phòng, chống dịch. Các DN huy động hàng nghìn lượt xe tham gia chuyên chở chuyên gia, cán bộ, y bác sĩ và hàng vạn công nhân từ các khu, cụm công nghiệp. Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang mặc dù thua lỗ nhưng vẫn tự bỏ kinh phí chi trả cho mỗi lái xe 400-500 nghìn đồng/ngày nếu đi làm nhiệm vụ, nghỉ ở nhà được hưởng mức 100 nghìn đồng; chưa kể chi phí xăng dầu, vật tư để các xe hoạt động suốt những tháng qua…
Mặc dù vậy, các DN đều có mong muốn nhận được sự chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giúp đỡ từ phía các cơ quan nhà nước và ngành ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến, các ngân hàng thương mại nên nghiên cứu, áp dụng những giải pháp hỗ trợ cho DN vận tải như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giãn nợ hoặc cho vay mới DN bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Bắc Giang cùng nhiều hiệp hội các tỉnh, TP khác đang kiến nghị Bộ Giao thông-Vận tải cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020 về mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021 và thời gian giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với xe khách, 10% với xe tải đến hết năm nay. Giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập với DN vận tải bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch, cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2021. Qua đó giúp các DN vận tải hồi phục hoạt động, vượt qua khó khăn.
Ý kiến bạn đọc (0)