Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì. Cùng dự có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành là thành viên BCĐ; Văn phòng UBND tỉnh và một số địa phương.
Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư phát triển cho 3 chương trình MTQG (giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, dân tộc thiểu số - miền núi) là hơn 2,4 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, vốn T.Ư hơn 1,8 nghìn tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh. Đến 8/11/2022, số vốn đã phân bổ chi tiết đến danh mục công trình và phân bổ cho các huyện, xã là hơn 1,5 nghìn tỷ đồng, đạt 64,5% tổng kế hoạch vốn.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. |
Riêng năm 2022, tổng kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình là hơn 761,3 tỷ đồng. Đến nay đã phân bổ chi tiết cho các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư và các huyện, TP 499,7 tỷ đồng, đạt 65,6%. Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước tỉnh, tổng kế hoạch vốn các chương trình MTQG năm 2022 giải ngân được hơn 98,3 tỷ đồng, bằng 12,9% kế hoạch.
Một số hạn chế, khó khăn là: Thời gian T.Ư giao vốn muộn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn; tiến độ giải ngân tổng kế hoạch năm 2022 mới chỉ đạt 12,9%, khó hoàn thành kế hoạch năm; một số huyện như Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng và TP Bắc Giang chưa hoàn thành việc giao kế hoạch 5 năm và năm 2022.
Việc giao vốn chưa bảo đảm về trình tự, thủ tục theo quy định. Một số dự án, tiểu dự án đến nay T.Ư vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện; còn dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư nên nguy cơ không giải ngân hết trong năm 2022.
![]() |
Đồng chí Tống Thị Hương Giang nêu một số khó khăn trong triển khai các chương trình MTQG. |
Đồng chí Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết, hiện tỉnh chưa có quyết định phân bổ chi tiết vốn cho 2 chương trình: Phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số - miền núi, giảm nghèo. Một số dự án (xây dựng công trình, phát triển vùng sản xuất) triển khai trên địa bàn huyện không còn phù hợp hoặc khó hoàn thành trong năm 2022. Vì vậy, UBND huyện đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện, chuyển nguồn sang năm 2023 hoặc chuyển mục đích sử dụng để phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ.
Năm 2023, huyện Lục Nam phấn đấu về đích nông thôn mới. Vì vậy, đồng chí Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị UBND tỉnh bổ sung nguồn và sớm phân bổ các nguồn vốn đầu tư phát triển cho địa phương.
Trong thực hiện một số tiểu dự án thuộc chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số - miền núi, huyện đề nghị chuyển nguồn hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề cho hộ không có đất sản xuất sang hỗ trợ mua máy nông cụ; hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên vùng dân tộc chuyển nguồn sang Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư, bảo đảm thống nhất, chính xác trong tổng hợp danh sách.
Theo đồng chí Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ vùng đồng bào dân tộc, đề nghị các huyện quan tâm bố trí cán bộ chuyên môn phụ trách địa bàn. Ngoài hỗ trợ về thủ tục, tham mưu lựa chọn dự án sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương còn thường xuyên kiểm tra, nắm bắt hiện trạng sử dụng vốn của các hộ được vay.
![]() |
Đồng chí Bùi Thị Thu Thủy trao đổi tại hội nghị. |
Với những vướng mắc, khó khăn các địa phương nêu thuộc các chương trình MTQG, đại diện các ngành: Lao động, y tế, giáo dục, văn hóa, xây dựng, công thương… cho biết, trên cơ sở bám sát các văn bản hướng dẫn của T.Ư, sẽ chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng các đề án, trình HĐNĐ tỉnh ban hành nghị quyết phân bổ vốn, triển khai một số dự án cụ thể, phù hợp. Kịp thời hướng dẫn, đôn đốc triển khai, giám sát tiến độ theo thẩm quyền, bảo đảm phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Theo đồng chí Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, hiện nhiều chương trình T.Ư chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết việc phân bổ vốn. Vì vậy, các ngành, huyện, TP chủ động rà soát các nội dung chậm tiến độ để đề xuất điều chỉnh phù hợp.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, việc phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 và cả giai đoạn đến nay cơ bản kịp thời. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân rất chậm. Vì vậy, UBND tỉnh sẽ sớm hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện 3 chương trình MTQG, trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua các nghị quyết có liên quan, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ để các địa phương làm căn cứ thực hiện.
![]() |
Đồng chí Lê Ánh Dương kết luận hội nghị. |
Từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo, đồng chí đề nghị các sở, ngành, cơ quan chủ trì các chương trình MTQG, các huyện, TP tập trung hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành thủ tục đầu tư cho các dự án, bảo đảm đúng quy trình, trình tự phân bổ vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; đánh giá thường xuyên, kiểm tra giám sát chặt chẽ để kịp thời đề xuất điều tiết vốn, chuyển mục đích sử dụng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực.
Các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và PTNT, nhất là Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực BCĐ) đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân thụ hưởng để cùng với chính quyền các cấp tổ chức thực hiện, tham gia giám sát hiệu quả các chương trình MTQG.
Tiếp tục rà soát, đề xuất phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện, cấp xã, bảo đảm thủ tục nhanh gọn, thông thoáng trong thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ từ ngân sách; thực hiện nghiêm các quy định về báo cáo, nắm tình hình để đánh giá sát tiến độ thực hiện.
Tin, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)