Bắc Giang còn hàng nghìn xe ô tô chưa lắp camera giám sát
![]() |
Trung bình một bộ camera giám sát có giá từ 6-10 triệu đồng là bài toán khó cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải. Ảnh: Nhân viên Công ty cổ phần xe khách Bắc Giang kiểm tra camera giám sát vừa được lắp đặt trên xe. |
Cụ thể, theo Nghị định số 10 và Nghị quyết số 66 của Chính phủ về quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó quy định thời hạn đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo; xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (camera giám sát) trước ngày 1/1/2021.
Tuy nhiên đến nay, theo thống kê của Sở Giao thông- Vận tải (GTVT), toàn tỉnh có 3.247 xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo; xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên. Tuy vậy, mới chỉ có khoảng 240 xe ô tô thuộc diện trên lắp camera giám sát, còn gần 3.100 xe khác chưa thực hiện.
Tìm hiểu tại một số doanh nghiệp (DN) vận tải cho thấy có một số vướng mắc. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điệp Hùng (Lạng Giang) cho biết, hiện DN có hơn 30 xe ô tô tải, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động rất hạn chế, nhiều xe không có việc, phải tạm dừng. Trong khi đó giá xăng dầu tăng mạnh, chi phí cho mỗi chuyến hàng lớn nên DN đang gặp khó khăn về nguồn vốn, chưa bố trí được kinh phí để lắp camera giám sát.
“Trung bình một bộ camera giám sát gồm thiết bị đầu ghi, màn hình, ổ cứng, sim 4G, ăng-ten GPS/wifi… được các DN cung cấp, lắp đặt báo giá từ 6-10 triệu đồng. Chưa kể phí dịch vụ truyền dữ liệu từ 1,2 đến 2 triệu đồng/năm/xe. Với hàng chục đầu xe, nếu lắp camera giám sát chúng tôi phải bỏ ra vài trăm triệu đồng giữa lúc khó khăn này là bài toán khó. Công ty chúng tôi đang tính đến phương án làm thủ tục vay tiền ngân hàng để đầu tư”, ông Hùng nói.
Trao đổi với đại diện Công ty cổ phần xe khách Bắc Giang được biết, DN cũng trong tình trạng tương tự. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh (tháng 5/2021), hơn 200 đầu xe của Công ty tạm dừng hoạt động. Qua rà soát hiện chỉ có khoảng 5% số xe đã lắp camera giám sát. Từ ngày 7/12, một số tuyến vận tải hành khách được Sở GTVT cho phép hoạt động trở lại, Công ty tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng xe để chạy lại. Do “nằm” một chỗ quá lâu nên nhiều xe hư hỏng, phải thay lốp, ắc quy… chi phí lớn, nay nếu lắp camera giám sát cho 100% xe, Công ty tính toán sẽ phải mất khoảng 1,2 tỷ đồng- khoản tiền không nhỏ ngay cả đối với DN có tiềm lực mạnh.
Ông Hoàng Thế Hanh, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) cho biết, đơn vị đã tham mưu với lãnh đạo Sở có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các DN vận tải thực hiện quy định lắp camera giám sát. Trước khó khăn của các DN, Sở đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu việc lắp đặt phải hoàn thành xong trước ngày 1/1/2022.
Theo quy định, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với loại xe có quy định phải lắp camera giám sát hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông. Phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức, DN kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát.
Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.
Tin, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)