Bắc Giang: Chia sẻ thông tin đăng ký hộ tịch lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
![]() |
Công chức Tư pháp-Hộ tịch xã Hợp Đức (Tân Yên) trả kết quả đăng ký khai sinh cho công dân. |
Điểm mới của quy trình tiếp nhận, giải quyết là sau khi công dân nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn) hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh (https://dichvucong.bacgiang.gov.vn), thông tin cá nhân của công dân sẽ được chia sẻ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đơn cử như chia sẻ thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán của người được đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn. Nhờ vậy, công tác quản lý, khai thác, tích hợp dữ liệu, cung cấp dịch vụ công thiết yếu thuận tiện, dễ dàng hơn.
Các bước tiếp theo được thực hiện như cũ. Cụ thể là công chức bộ phận một cửa kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, thống nhất, hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì chuyển cho công chức Tư pháp-Hộ tịch xử lý. Trường hợp ngược lại thì có văn bản hướng dẫn công dân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để gửi lại.
Công chức Tư pháp - Hộ tịch tiếp nhận hồ sơ, nếu bảo đảm các điều kiện thì thực hiện đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn trực tuyến và lưu trên “Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử”. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì từ chối tiếp nhận hoặc thông báo bổ sung.
Tiếp theo, công chức Tư pháp – Hộ tịch in giấy khai sinh, trích lục khai tử hoặc giấy đăng ký kết hôn trình lãnh đạo UBND ký, sau đó chuyển bộ phận một cửa để trả kết quả cho công dân trong thời hạn quy định.
Cuối cùng, công dân kiểm tra thông tin, ký và nộp lệ phí (trừ các trường hợp được miễn lệ phí), nhận các giấy tờ liên quan. Bản điện tử sẽ được gửi về địa chỉ email hoặc thiết bị số của công dân.
Thông qua đó góp phần triển khai, thực hiện có hiệu quả đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 của Thủ tướng Chính phủ; đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp.
TS (bt)
Ý kiến bạn đọc (0)