ATK in bóng hình Bác
Nhà thơ Tố Hữu đã mở đầu bài thơ “Sáng tháng Năm” đầy hồ hởi: “Vui sao một sáng tháng Năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/ Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn...”. Đó cũng là tâm trạng chung của chúng tôi khi về thăm ATK Định Hóa vào đúng những ngày tháng Năm lịch sử, được bước trên những con đường Bác đã đi qua.
![]() |
Toàn cảnh di tích đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc – nơi đầu tiên Bác Hồ ở và làm việc tại ATK Định Hóa. |
Đồi Khau Tý - nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ATK Định Hóa nằm kế bên cánh đồng lúa xanh đang chuẩn bị trổ đòng. Dòng suối Đình uốn khúc dưới chân đồi khẽ róc rách cùng với gió và lá rừng xào xạc. Trong căn nhà sàn 5 gian xưa còn lưu giữ nhiều hiện vật, tranh ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.
Các tài liệu lịch sử ghi: Vào đêm 19, rạng sáng 20/5/1947, Bác Hồ đến xã Điềm Mặc. Người nghỉ tại nhà sàn của ông Ma Đình Tương, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Định Hóa. Ngày hôm sau, Bác chuyển lên lán nhỏ trên đỉnh đồi Khau Tý.
Với địa hình cao, cây cối rậm rạp, có con đường mòn ra Quảng Nạp, đi Sơn Dương, xuống Đại Từ, ra Phú Lương, lên huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) nên nơi đây rất thuận lợi cho các hoạt động cách mạng. Bác Hồ ở và làm việc tại Điềm Mặc trong thời gian từ ngày 20/5 đến tháng 11/1947. Đây cũng là nơi Người viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh XYZ, bài thơ “Cảnh khuya” nổi tiếng và thay mặt Chính phủ ký quyết định lấy ngày 27/7/1947 là Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc.
Men theo con đường rợp mát bởi hàng cọ và cây cổ thụ che bóng, chúng tôi ngược dốc lên thăm lán nhỏ ở đỉnh đồi. Từ xa nhìn lại, căn lán đơn sơ được bao bọc bởi hai cây lim và trám đen cổ thụ phía sau. Ông Hoàng Văn Thấm ở xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc say sưa kể về lịch sử và quê hương mình.
![]() |
Lán Khuôn Tát - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc trong kháng chiến chống Pháp. |
Hơn chục năm được giao trông nom, giữ gìn khuôn viên di tích, với ông đó là niềm vinh dự rất lớn. “Tôi thuộc lớp người sinh ra và lớn lên sau này, chưa từng có cơ hội được gặp Bác. Qua những hiện vật, những câu chuyện nghe kể lại giúp tôi hiểu và cảm phục hơn cuộc sống giản dị, thanh bạch của Người. Cũng vì vậy mà bản thân tôi tự thấy phải làm việc trách nhiệm, giữ khuôn viên di tích luôn sạch sẽ, gọn gàng và giúp đỡ du khách đến tham quan” - ông Thấm nói.
Từ căn nhà sàn ở đồi Khau Tý, tháng 11/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh di chuyển ngược lên Khuôn Tát, xã Phú Đình. Cụm di tích này gồm: Cây đa, suối Khuôn Tát, nhà sàn và hầm của Bác ở tại đồi Na Đình. Người đã 3 lần ở và làm việc tại đây. Ngày 20/11/1947 là lần đầu Bác ở làm việc tại đồi Na Đình.
ATK Định Hóa thuộc vùng lõi của chiến khu Việt Bắc. Đây là vùng rừng núi điệp trùng, hiểm trở và cũng rất kín đáo, có lợi thế để xây dựng các cơ quan chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có đầy đủ yếu tố địa lợi, nhân hoà, đã trở thành địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan đầu não kháng chiến. Ngày 10/5/2012, ATK Định Hóa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và hiện có 128 điểm di tích từ thời kháng chiến chống Pháp. |
Từ đó đến ngày 25/5/1948, Bác cùng cơ quan T.Ư đã di chuyển nhiều nơi: Từ Định Hóa lên Chợ Đồn (Bắc Kạn), sang Sơn Dương sau lại về Khuôn Tát. Nhà sàn của Bác trên đồi lợp cọ, cột gỗ, vách bằng nứa, có sàn và cửa sổ thông thoáng. Bác thường làm việc dưới sàn, xung quanh có hàng rào nứa đan chéo để chống thú dữ, có địa đạo thông ra khe suối nhỏ để thoát khi có động.
Phía dưới nhà sàn của Bác độ hơn 10m là nhà lợp cọ của bộ phận giúp việc, có sân, bàn ăn làm bằng cây vầu. Nhà lán được người dân trông coi, sau mỗi lần di chuyển rồi quay trở về, Bác cùng anh em vẫn còn chỗ ăn nghỉ, làm việc.
Còn nữa nhiều di tích ghi dấu chân Người ở ATK Định Hóa. Đó là đồi Pụ Đồn - dưới sự chủ trì của Bác, Chính phủ tổ chức lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam; là lán Tỉn Keo, nơi Bác cùng Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (6/12/1953).
Ngày 15/1/1954, trước khi lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Tổng Tư lệnh quân đội, Tổng chỉ huy kiêm Chính ủy mặt trận Võ Nguyên Giáp đã đến lán Khuôn Tát chào Bác. Người đã thể hiện sự tin tưởng vào tài năng của Đại tướng và căn dặn: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, cứ quyết định rồi báo cáo sau”.
Thấm thía lời dặn của Bác và xét diễn biến thực tế trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" và đó là một trong những quyết định quan trọng nhất làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…
Hơn 70 năm đã trôi qua từ lần đầu Bác đặt chân đến chiến khu Định Hóa, cảnh vật nơi đây đã thay đổi nhiều. Nhưng có điều đặc biệt là các điểm di tích cơ bản vẫn được giữ nguyên hiện trạng. Vẫn còn đây căn nhà sàn 5 gian nơi chân đồi Khau Tý; bậc thang lên lán Tỉn Keo được phục dựng lại bằng thân tre già và dây mây rừng.
Cây đa cổ thụ sừng sững đứng đó bên dòng Khuôn Tát hiền hòa vẫn đêm ngày đưa dòng nước mát lành nuôi dưỡng những cánh đồng trù phú. Căn lán và hầm nơi Bác từng ở và làm việc được giữ gìn nguyên vẹn như chính tình cảm sâu nặng của người dân ATK Định Hóa đối với lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Bước chân trên con đường Bác đã đi qua, mỗi chúng tôi cảm nhận bóng hình, hơi ấm của Người như vẫn đâu đây. Mọi người cùng cất cao lời bài hát “ATK hát mãi tên Người” của nhạc sĩ Lê Tú Anh: “Như còn đâu đây bóng hình của Bác. Một ngày tháng Năm Bác về Phú Đình. Biết mấy nghĩa tình quê tôi đón Bác. Rừng che bộ đội rừng vây quân thù. Rừng thành chiến khu thủ đô kháng chiến…
Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc (0)