Xử lý “nguội” xe máy vi phạm giao thông: Chấp hành nghiêm quy định nộp phạt
BẮC GIANG - Do chưa thực hiện nghiêm việc sang tên, đổi chủ cùng với không bị ràng buộc bởi quy định đăng kiểm, nhiều người điều khiển xe máy vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) qua hình ảnh đã không chấp hành nộp phạt. Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để xử nghiêm vi phạm.
Công khai xe vi phạm
Phạt “nguội” là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Thời gian qua, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã triển khai có hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hệ thống camera giám sát để phát hiện vi phạm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 124 camera giám sát xử lý phạt nguội, trong đó Phòng CSGT vận hành, khai thác, xử lý 16 camera, số còn lại do lực lượng CSGT các huyện, thị xã, TP quản lý. Nếu như những năm trước, người đi xe máy chấp hành nộp phạt “nguội” rất ít (chỉ vài trường hợp) thì từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã gửi thông báo đến gần 4.000 trường hợp, lập biên bản xử phạt hơn 1.000 trường hợp với tổng số tiền nộp phạt cả tỷ đồng.
|
Camera giám sát ghi lại hình ảnh xe máy vượt đèn đỏ tại ngã ba đường Xương Giang - Hùng Vương (TP Bắc Giang). |
Hiệp Hòa là địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp buộc người điều khiển xe máy vi phạm phải chấp hành nộp phạt theo quy định. Thiếu tá Ngô Văn Lương, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện cho biết: “Khi trích xuất camera phát hiện xe máy vi phạm, chúng tôi gửi thông báo bằng văn bản đến chủ phương tiện, đồng thời đăng tải danh sách các trường hợp phạt “nguội” trên Zalo, fanpage của Công an huyện. Tiếp đó gửi phiếu chuyển các trường hợp phạt “nguội” đến công an xã, thị trấn nơi chủ phương tiện cư trú để đôn đốc việc nộp phạt. Thành lập tổ công tác, trực tiếp làm việc với người vi phạm, cho xem các hình ảnh trích xuất từ camera”.
Bằng cách làm và các biện pháp nghiệp vụ như vậy đã khiến người vi phạm phải tâm phục, khẩu phục, không thể chối cãi về vi phạm của mình, buộc phải chấp hành việc nộp phạt. Từ đầu năm đến nay, Đội đã gửi thông báo phạt “nguội” đến 1.280 trường hợp, trong số này đã có 283 trường hợp chấp hành quyết định xử phạt với tổng số tiền 585 triệu đồng. Điển hình như xe BKS 98D1-646.xx bị lập 26 biên bản với lỗi vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, số tiền phạt 15,4 triệu đồng; xe mô tô BKS 98D2-004.xx bị lập 21 biên bản với lỗi tương tự, số tiền phạt 12,1 triệu đồng.
Điều khiển xe máy BKS 98D1-605.xx với 10 lần không đội mũ bảo hiểm, 16 lần vượt đèn đỏ trong 1 tháng, xử phạt tổng số tiền là 19,4 triệu đồng, khi được mời đến Công an huyện để làm việc, bà Nguyễn Thị T (SN 1983), trú ở tổ dân phố số 2, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) làm nghề bán hoa tươi phân trần: “Do chủ quan trên cung đường ngắn, tôi nhiều lần đi xe máy không đội mũ bảo hiểm mà chỉ đội mũ cối. Còn về lỗi vượt đèn đỏ, do nhà ở ngay ngã tư, nhiều khi đi xe từ nhà sang bên đường không để ý nên đã vi phạm. Bị phạt thế này, chắc chắn tôi sẽ chừa, không dám vi phạm nữa”.
Tại TP Bắc Giang trong 5 tháng đầu năm 2024 đã xử phạt 615 xe máy trong đó có 440 trường hợp vượt đèn đỏ, 175 trường hợp không đội mũ bảo hiểm với tổng số tiền phạt là 483,5 triệu đồng. Tất cả các trường hợp xe máy vi phạm đều đăng tải danh sách công khai trên trang thông tin điện tử Công an tỉnh và đọc trên hệ thống loa truyền thanh phát tại các ngã ba, ngã tư vào khung giờ có nhiều người dân quan tâm. Các bản tin đều nêu rõ biển số, chủ sở hữu, thời gian, địa điểm vi phạm. Thực tế, nhiều chủ xe đã chủ động đến nộp phạt sau khi nghe được, đọc được thông báo vi phạm dù chưa nhận thông báo qua đường bưu điện của CSGT.
Gắn trách nhiệm của cấp xã
Sở dĩ việc phạt “nguội” còn gặp khó khăn do nhiều xe máy chưa sang tên đổi chủ, đặc biệt là chưa có quy định đình kiểm. Người vi phạm lấy lý do không phải phương tiện của mình, xe không còn sử dụng nữa nhằm tránh việc nộp phạt. Để xử lý các trường hợp không chịu nộp phạt, theo lực lượng CSGT, khi có hình ảnh, thông tin xe vi phạm, cơ quan chức năng gửi thông báo đến người vi phạm và hướng dẫn nộp phạt tại trụ sở công an cấp huyện nơi phát hiện vi phạm hoặc tại nơi cư trú. Đồng thời, cập nhật thông tin phương tiện vi phạm trên trang thông tin Công an tỉnh để người dân tra cứu.
Nếu không nộp phạt đúng thời hạn, người vi phạm có thể bị cưỡng chế nộp phạt theo khoản 1, Điều 73, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Các biện pháp cưỡng chế gồm: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá. Ngoài ra người vi phạm còn phải trả lãi tiền chậm nộp phạt giao thông theo quy định. |
Quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo, nếu người vi phạm không đến nộp phạt, lực lượng CSGT sẽ gửi thông báo đến công an các xã, phường, thị trấn. Công an cấp xã phối hợp với cán bộ thôn, tổ dân phố xác minh, đôn đốc. Cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Chủ tịch UBND, Trưởng Ban ATGT cấp xã phải quyết liệt vào cuộc khi công an chuyển thông báo về người vi phạm trên địa bàn.
Hiện nay dữ liệu chủ xe đã và đang được đồng bộ, bổ sung; việc quản lý biển số xe dựa trên định danh, xe được kê khai chính chủ. Đây là cơ sở pháp lý để lực lượng CSGT thuận tiện hơn khi tra cứu thông tin thực hiện phạt “nguội”. Khoản 15, Điều 3, Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định: “Tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt sẽ không được giải quyết đăng ký xe khác”. Sau khi chấp hành, người đó mới được đăng ký chính chủ cho xe mới.
Nếu không nộp phạt đúng thời hạn, người vi phạm có thể bị cưỡng chế nộp phạt theo khoản 1, Điều 73, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Các biện pháp cưỡng chế gồm: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá. Ngoài ra người vi phạm còn phải trả lãi tiền chậm nộp phạt giao thông theo quy định.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)