Xét xử phúc thẩm vụ án hủy hoại tài sản tại huyện Sơn Động: Tuyên y án sơ thẩm
Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Sơn Động, gia đình bà Hoàng Thị Đông và ông Dư Văn Thành có diện tích 8.395 m2 đất rừng thuộc lô C, khoảnh 59 ở khu Cát Lái thuộc thôn Rõng, xã An Lạc, huyện Sơn Động do cha ông quản lý, sử dụng từ năm 1982; đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD).
Ngày 28/1/2010, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 158/QĐ- UBND về việc thu hồi đất và giao cho Công ty TNHH Đức Thắng (gọi tắt là Công ty Đức Thắng) thuê đất để khai thác mỏ đá lộ thiên thôn Rõng, xã An Lạc với tổng diện tích gần 42,2 nghìn m2 (trong đó có 6.353m2 đất rừng thuộc lô C, khoảnh 59 ở khu Cát Lái gia đình bà Đông, ông Thành đang sử dụng nằm trong phần đất Công ty Đức Thắng thuê.
![]() |
Bị cáo, bị hại và người liên quan tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "hủy hoại tài sản" tại huyện Sơn Động |
Ngày 5/3/2010, Công ty Đức Thắng ký hợp đồng thuê đất với UBND tỉnh Bắc Giang, sau đó doanh nghiệp được cấp giấy CNQSD đất số BA 665588.
Đáng chú ý, khi thu hồi đất, cơ quan chuyên môn tỉnh không thông báo cho các gia đình đang quản lý, canh tác, sử dụng phần đất bị thu hồi. Năm 2014, sau khi khai thác số keo trồng theo dự án, gia đình bà Đông tiếp tục mua keo con về trồng trên diện tích 8.395m2 đất (trong đó có 6.353m2 đất nằm trong giấy CNQSD của Công ty Đức Thắng), sau đó chuyển cho con là Dư Văn Toàn quản lý, canh tác.
Để mở rộng sản xuất, khai thác đá, Công ty Đức Thắng do ông Đặng Đình Đỗ là Giám đốc và ông Nguyễn Trọng Mạnh (trú tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - người được ông Đặng Đình Đỗ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty và được giao trách nhiệm quản lý, điều hành toàn bộ việc sản xuất tại mỏ khai thác đá làng Rõng) đã làm việc với gia đình bà Hoàng Thị Đông và anh Dư Văn Toàn về việc bồi thường tài sản trên đất để gia đình tự thu hồi cây keo trên diện tích phần đất nằm trong giấy CNQSD của Công ty.
Công ty Đức Thắng đã 3 lần thông báo việc cắt keo nhưng gia đình anh Dư Văn Toàn không chấp nhận về việc bồi thường và bàn giao đất cho Công ty Đức Thắng. Giữa gia đình anh Toàn và Công ty Đức Thắng tồn tại việc tranh chấp diện tích đất kể trên. Tranh chấp này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, nhưng để lấy lại đất, ngày 1/4/2017, Công ty Đức Thắng đã thuê người tiến hành chặt phá toàn bộ số keo đang trong giai đoạn sinh trưởng phát triển của gia đình anh Toàn, làm mất hoàn toàn giá trị của tài sản.
Theo kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 4/4/2017 của cơ quan chức năng, diện tích cây keo bị chặt là 8.395m2, tương ứng với 4.700 cây. Kết quả định giá tổng số keo bị chặt là 94 triệu đồng.
Ngày 10/3/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Động tiến hành thực nghiệm điều tra để tính số lượng, đo kích thước số keo của gia đình anh Toàn bị chặt. Kết quả thực nghiệm xác định tại hiện trường chỉ còn 751 gốc keo (một số gốc đã bị mục). Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm nhận định việc cơ quan điều tra lập ô tiêu chuẩn để tính số keo bị chặt bằng 4.700 cây là chưa chính xác, từ đó xác định số keo bị chặt là 751 cây (trị giá theo thẩm định là 15,02 triệu đồng) để làm căn cứ truy tố, xét xử các bị cáo.
Ở phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 12/8/2020 tại TAND huyện Sơn Động, bị cáo Đặng Đình Đỗ được cho là có vai trò chỉ đạo trong việc phá hủy cây trồng của người khác nên phải chịu vai trò chính trong vụ án. Xét thấy quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bị cáo đã cùng đồng phạm tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại 104 triệu đồng; phạm tội lần đầu… nên HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Đặng Đình Đỗ 1 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng về hành vi “hủy hoại tài sản”. Ngoài hình phạt chính, bị cáo Đặng Đình Đỗ còn bị phạt 10 triệu đồng sung công quỹ nhà nước. Bị cáo Đặng Đình Đỗ kháng cáo kêu oan, cho rằng chặt cây trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty nên không phạm tội.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định, bản án sơ thẩm đã xem xét, đánh giá toàn bộ tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo Đặng Đình Đỗ và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo, từ đó lượng hình phù hợp với quy định pháp luật. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Đặng Đình Đỗ không đưa ra được tài liệu, chứng cứ mới, có căn cứ pháp lý để cho rằng bị oan. Trên cơ sở đó, HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đặng Đình Đỗ, giữ nguyên đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, tuyên y án sơ thẩm.
Tuấn Dương
Ý kiến bạn đọc (0)