Xây dựng Luật Thư viện: Tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy văn hóa đọc
Các vị ĐBQH: Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Leo Thị Lịch, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông; Thư viện tỉnh Bắc Giang và đại diện một số thư viện huyện, TP, xã, thị trấn, trường học.
![]() |
Bà Hoàng Thị Hoa phát biểu tại hội nghị. |
Dự thảo Luật Thư viện gồm 6 chương, 49 điều, trong đó Chương I quy định chung bao gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chức năng, nhiệm vụ của thư viện; các chính sách của Nhà nước với sự nghiệp phát triển sự nghiệp thư viện; xã hội hóa hoạt động thư viện; các hành vi bị nghiêm cấm. Chương II từ điều 7 đến điều 20 gồm hai mục: Mạng lưới thư viện và việc thành lập thư viện.
Chương III quy định về hoạt động của thư viện, gồm nguyên tắc hoạt động; phát triển, xử lý tài nguyên, tổ chức hệ thống tra cứu thông tin; phát triển văn hóa đọc, thư viện số; truyền thông thư viện... Chương 4 quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện. Chương V quản lý nhà nước về thư viện và Chương 6 là điều khoản thi hành.
![]() |
Ông Hoàng Văn Lợi đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật. |
Tại hội nghị, sau khi nghe quán triệt nội dung và tóm tắt khái quát dự thảo Luật, đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận, thống nhất việc xây dựng dự án Luật Thư viện là cần thiết, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm cho thiết chế này hoạt động ngày càng hiệu quả; đồng thời tích cực đóng góp ý kiến bổ sung vào dự thảo Luật.
Ông Hoàng Văn Lợi, nguyên Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, Điều 4: "Chính sách của Nhà nước với phát triển sự nghiệp thư viện" sửa thành "Chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện". Điều 5 về xã hội hóa hoạt động thư viện nên cân nhắc bỏ vì xã hội hóa cũng là một trong những chính sách lớn của Nhà nước và đã được quy định tại khoản 3, điều 4 của dự thảo Luật.
Ông Nguyễn Đắc Hồng, Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Giang đề xuất đưa thêm điểm 7 vào Điều 46, quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hằng năm xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương bố trí nguồn kinh phí cho công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vốn tài liệu sách, báo...
Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất cụ thể hóa quy định về xây dựng hệ thống thư viện trong cơ sở giáo dục; việc phát triển thư viện số cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ tạo hành lang pháp lý để quản lý, đồng thời giúp người dùng khai thác hiệu quả tài nguyên thông tin số; nghiên cứu bổ sung vào Luật cơ chế phát hiện, xử lý những vi phạm trong hoạt động thư viện.
![]() |
Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại đây, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, phong trào đọc ở tỉnh Bắc Giang từng bước được cải thiện. Hoạt động của Thư viện tỉnh Bắc Giang, một số huyện, TP và nhiều thư viện tư nhân khá sôi động với lượng sách phong phú, qua đó thu hút bạn đọc đến nghiên cứu, tìm hiểu. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, hiện không ít thư viện chưa khai thác, phát huy hết hiệu quả nguồn sách được đầu tư, tài trợ.
Đối với dự thảo Luật, đồng chí nhấn mạnh đến mục thành lập thư viện ở Chương II, mục này nên quy định cụ thể, thông thoáng. Việc quy định người làm công tác thư viện có chuyên môn phù hợp với hoạt động của thư viện không nên cứng nhắc, nhất là với hệ thống thư viện tư nhân. Cùng đó, cần rà soát, sử dụng cụm từ: Phong trào đọc, văn hóa đọc, khuyến đọc sao cho phù hợp, thống nhất trong Luật…
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, bà Hoàng Thị Hoa ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm của các đại biểu dự hội nghị trong việc đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Thư viện. Bà Hoa cũng chia sẻ, trao đổi sâu hơn về một số nội dung đại biểu đề cập, nhất là về cơ chế, chính sách cho đội ngũ làm công tác thư viện ở cơ sở; việc xây dựng, quản lý hệ thống thư viện trong các cơ sở giáo dục; những vấn đề liên quan đến phát triển, quản lý thư viện số, thư viện tư nhân…
Đối với các ý kiến tại hội nghị, bà đề nghị Văn phòng Đoàn ĐBQH tổng hợp, tiếp thu, qua đó Đoàn sẽ báo cáo, đề xuất bộ phận soạn thảo dự thảo Luật tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh vào dự thảo.
Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)