Xã Lệ Viễn (Sơn Động): Tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn
BẮC GIANG - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sơn Động vừa phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Động, UBND xã Lệ Viễn khai giảng 2 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Theo đó, lớp đào tạo kỹ năng quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được tổ chức tại thôn Chung Sơn; lớp sửa chữa điện dân dụng tổ chức tại thôn Thia Tu Nim. Tổng hai lớp có 69 học viên là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc mới thoát nghèo trong 36 tháng tham gia. Thời gian đào tạo từ 2,5-3 tháng.
![]() |
Người lao động xã Lệ Viễn tham gia học nghề sửa chữa máy nông nghiệp. |
Trong chương trình đào tạo, học viên lớp quản lý và sử dụng thuốc BVTV được hướng dẫn cách nhận biết, lựa chọn thuốc BVTV rõ nguồn gốc, phù hợp với đặc tính của từng loại cây trồng; kỹ thuật pha chế, sử dụng thuốc theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, đặc biệt là thời kỳ chuẩn bị ra hoa, đậu quả, sắp cho thu hoạch. Học viên lớp sửa chữa điện dân dụng nắm bắt kiến thức cơ bản về điện, phân tích cấu tạo, nguyên lý vận hành và thực hành sửa chữa một số thiết bị điện dân dụng phổ biến trong gia đình.
Được biết, cùng với 2 lớp này, từ đầu năm đến nay, xã Lệ Viễn đã tổ chức được tổng số 5 lớp đào tạo nghề, thu hút 175 lao động địa phương tham gia, vượt 150 chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
Xã Lệ Viễn có 6 thôn gồm: Chung Sơn, Lạnh, Lọ, Tân Chung, Thia Tu Nim, Thanh Trà với gần 1 nghìn hộ, khoảng 4.500 nhân khẩu với 13 dân tộc cùng sinh sống. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ; tăng tỷ lệ lao động đào tạo nghề, giải quyết việc làm hằng năm, tạo nguồn thu nhập ổn định để giảm nghèo bền vững.
Bám sát mục tiêu trên, thời gian qua, địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn mở nhiều lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2022 đến nay, xã mở 13 lớp đào tạo với các nghề: Nuôi ong mật, sửa chữa máy nổ, điện dân dụng, quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòe, Chủ tịch UBND xã Lệ Viễn nhấn mạnh: "Đa số người dân sau khi được đào tạo nghề đã ứng dụng kiến thức được học vào thực tiễn sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Xã tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi về quy trình, thủ tục giúp người dân có nhu cầu được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Đây là giải pháp hiệu quả giúp người dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững".
Tin, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)