Tiếp tục cho hộ nghèo, chính sách vay theo phương thức ủy thác
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. |
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam: Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Đạo, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Ngô Gia Quát chủ trì; đại diện một số ban, ngành trong tỉnh; các tổ chức hội, đoàn thể tham gia hoạt động cho vay ủy thác; Phòng Giao dịch NHCSXH các huyện dự hội nghị.
Báo cáo của NHCSXH Việt Nam nêu rõ giai đoạn 2015-2020, các chương trình tín dụng cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội được triển khai có hiệu quả. Đến ngày 31/8, tổng dư nợ chương trình tín dụng theo phương thức ủy thác hơn 220 nghìn tỷ đồng (chiếm 99,56% tổng dư nợ của NHCSXH), tăng khoảng 90 nghìn tỷ đồng so với năm 2014. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,8%.
Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 38,8%, Hội Nông dân Việt Nam 30,6%, Hội Cựu chiến binh Việt Nam 16,7%, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 13,9%. Tổng doanh số cho vay theo phương thức ủy thác giai đoạn 2015-2020 đạt hơn 334 nghìn tỷ đồng, chiếm 98,8% tổng doanh số cho vay của ngân hàng này.
Tại tỉnh Bắc Giang, chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. 5 năm qua, doanh số cho vay ủy thác là 6.610 tỷ đồng với hơn 192 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, mức cho vay bình quân 34,3 triệu đồng/hộ.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu ghi nhận hoạt động ủy thác cho vay đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng CSXH, thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Nhiều ý kiến đề nghị NHCSXH Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội T.Ư phối hợp xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động ủy thác cho vay. Đồng thời xem xét, nâng mức cho vay và thời hạn cho vay đối với một số chương trình tín dụng; cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31/12/2020) và nâng thời hạn cho vay tối đa đối với hộ mới thoát nghèo lên 10 năm; mở rộng đối tượng của chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Lam ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà NHCSXH Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp trong việc đưa tín dụng chính sách đến với người dân thời gian qua. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các đối tượng chính sách, hộ nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, tăng niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Đồng chí đề nghị thời gian tới, NHCSXH Việt Nam cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng CSXH. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách.
Các tổ chức chính trị- xã hội phối hợp với NHCSXH Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH; nhân rộng các mô hình điển hình, nhất là tại các vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)