Tiêm đủ vắc-xin và tuân thủ 5K để phòng Covid-19
Ông nhận định như thế nào về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh khi các hoạt động KT-XH được nối lại bình thường?
Tương tự tình hình chung toàn quốc, tại tỉnh Bắc Giang sau kỳ nghỉ Tết xuất hiện số ca mắc mới cao ở tất cả các huyện, TP, các khu công nghiệp (KCN). Các ca mắc được phát hiện sau khi xét nghiệm sàng lọc để trở lại lao động, làm việc, sản xuất, kinh doanh, học tập. Nguyên nhân là do trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua người dân trong và ngoài tỉnh có sự giao lưu, di chuyển, tập trung ăn uống nhiều người, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được mở lại.
![]() |
Ông Từ Quốc Hiệu. |
Trong thời gian tới dịch có thể diễn biến phức tạp về số mắc do bắt đầu vào mùa lễ hội xuân. Đồng thời, số ca mắc có thể liên quan biến chủng Omicron khi nhiều tỉnh đã ghi nhận các ca mắc biến chủng này trong cộng đồng. Số mắc tiếp tục xuất hiện nhiều ở các huyện có KCN (Việt Yên, Yên Dũng) và nơi có mật độ dân cư cao như TP Bắc Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng mũi 3 của tỉnh đã đạt trên 80% sẽ làm giảm số ca chuyển nặng và hạn chế số ca tử vong trong thời gian tới.
Trước tình hình trên, xin ông cho biết những biện pháp PCD được tỉnh chỉ đạo thực hiện trong bối cảnh mới?
Dự báo được tình hình từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở Y tế đã tham mưu cho Ban chỉ đạo (BCĐ) PCD Covid-19 tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP xây dựng phương án và các biện pháp chủ động PCD phù hợp với tình hình thực tế từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo phương châm 4 tại chỗ. Không được lơ là, chủ quan, luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đề ra các kịch bản phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh. Bảo đảm sẵn sàng, đầy đủ khi được huy động về nhân lực, cơ sở cách ly, điều trị, thuốc, trang thiết bị y tế, ô xy, hóa chất sinh phẩm xét nghiệm... Để đáp ứng yêu cầu PCD đi đôi với phát triển mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh, Sở Y tế đã tham mưu cho BCĐ tỉnh các biện pháp PCD trên địa bàn như sau:
Thứ nhất là tiếp tục công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức người dân về dịch bệnh; thực hiện nghiêm túc 5K, hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.
Thứ hai là về chiến lược xét nghiệm có sự thay đổi cơ bản, đó là tăng cường xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên; không chỉ định xét nghiệm đối với người dân khi di chuyển trên địa bàn tỉnh và người đã tiêm đủ mũi vắc-xin theo quy định, không có triệu chứng; chỉ xét nghiệm đối với người về từ vùng dịch có cấp độ 4, về từ vùng cách ly, phong tỏa và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh tự quyết định tần suất, tỷ lệ, đối tượng và phương pháp xét nghiệm, bảo đảm yêu cầu PCD cũng như sản xuất, kinh doanh. Những trường hợp có các triệu chứng về đường hô hấp như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi phải được xét nghiệm ngay và thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên tại khu vực nguy cơ cao, tập trung đông người (cơ sở khám, chữa bệnh, chợ, bến xe…).
Thứ ba là chỉ thực hiện truy vết người tiếp xúc gần (F1) trực tiếp, không truy vết với các trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2).
Thứ tư là các biện pháp cách ly người về từ vùng dịch cũng được gỡ bỏ, chủ yếu là thực hiện tốt 5K, tự theo dõi sức khỏe. Nếu có biểu hiện như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định. Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ mũi vắc- xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 chỉ phải tự theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú; người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19 thì phải cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm theo quy định.
Thứ năm là thay đổi căn bản chiến lược điều trị, đó là tăng cường điều trị F0 tại nhà, chỉ đưa vào khu thu dung điều trị những trường hợp có triệu chứng vừa và đến bệnh viện những trường hợp nặng. Ứng dụng rộng rãi phần mềm quản lý F0 tại nhà thông qua Sổ sức khỏe điện tử nhằm tăng cường kết nối thầy thuốc và bệnh nhân, giảm tải cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục nâng cao năng lực các bệnh viện tuyến cuối để tiếp nhận, điều trị có hiệu quả bệnh nhân chuyển nặng.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình điều trị F0 tại nhà trên địa bàn tỉnh và bài học kinh nghiệm qua một thời gian triển khai?
Tỉnh Bắc Giang bắt đầu triển khai điều trị F0 tại nhà từ ngày 1/1/2022 và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến ngày 11/2 đã điều trị 5.835 F0 tại nhà ở 10 huyện, TP với 2.666 trường hợp đã khỏi bệnh, chiếm 45,69%; số đang điều trị là 3.814 người (trong đó 100% bệnh nhân mức độ nhẹ và không triệu chứng). Số diễn biến nặng phải chuyển viện điều trị là 72 ca (chiếm tỷ lệ 1,2%).
![]() |
Nhân viên Trạm Y tế xã Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) tiêm vắc- xin phòng dịch Covid-19 cho người cao tuổi. Ảnh: Mai Toan |
Việc điều trị F0 tại nhà có nhiều điểm thuận lợi như tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang đạt mức cao, đến nay toàn tỉnh đã tiêm được 4 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Trong đó, đã bao phủ 100% mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên; mũi 3 đạt hơn 80% cho người từ 18 tuổi trở lên. Hầu hết bệnh nhân khi nhiễm Covid-19 đều có diễn biến lâm sàng nhẹ, có thể tự cách ly, chăm sóc tại nhà mà ít cần đến các biện pháp can thiệp y tế.
Ngoài ra, toàn tỉnh đã thành lập được mạng lưới 209 trạm y tế lưu động khắp các xã/phường/thị trấn đáp ứng được các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện việc chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Cán bộ y tế của tỉnh đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm qua quá trình chống dịch tại tỉnh và hỗ trợ các địa phương khác nên có thể tự tin trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Đặc biệt, việc triển khai điều trị F0 tại nhà được sự đồng tình, phối hợp rất tích cực của người dân; khi điều trị tại nhà người dân có tâm lý thoải mái, dễ chịu hơn, chủ động đáp ứng các nhu cầu về sinh hoạt, hậu cần.
Tuy nhiên cũng gặp một số khó khăn như nhân lực còn mỏng, cán bộ y tế phải làm việc liên tục, ít có thời gian nghỉ ngơi; việc theo dõi bệnh nhân tại nhà cũng gặp khó khăn hơn so với ở các cơ sở thu dung, điều trị, đặc biệt là việc phát hiện các trường hợp chuyển nặng đột ngột; công tác thu gom rác thải còn một số hạn chế.
Qua triển khai điều trị F0 tại nhà, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, chỉ triển khai điều trị F0 tại nhà khi đã bao phủ được vắc-xin 2 mũi cho toàn dân trên địa bàn và tiếp tục tiêm bổ sung mũi 3. Cần có sự nghiên cứu, đánh giá thực tế diễn biến ca bệnh; dựa trên căn cứ khoa học trước khi triển khai thực hiện.
Hai là, có sự chỉ đạo quyết liệt từ BCĐ tỉnh để BCĐ các huyện, TP mạnh dạn hơn trong việc triển khai điều trị F0 tại nhà; ngoài lực lượng y tế cần huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể địa phương.
Ba là, ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực tế trước khi triển khai thực hiện.
Bốn là, truyền thông mạnh mẽ để người dân hiểu, yên tâm, phối hợp điều trị tại nhà.
Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thuận tiện trong công tác quản lý và theo dõi bệnh nhân; đồng thời giúp người dân nhanh chóng tiếp cận với cán bộ y tế để được tư vấn, hướng dẫn, xử trí kịp thời.
Nhiều người cho rằng đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin và dịch bệnh không còn đáng ngại nữa, vậy ông có khuyến cáo gì đối với người dân để bảo vệ sức khỏe?
Hiện nay, vắc-xin phòng Covid-19 được xem là "lá chắn" an toàn giúp cơ thể được bảo vệ bởi kháng thể, giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt giảm triệu chứng nặng, giảm nguy cơ tử vong. Theo các chuyên gia y tế, hiệu quả bảo vệ của các loại vắc-xin phòng Covid-19 sẽ bị giảm dần theo thời gian, đặc biệt là ở người từ 65 tuổi trở lên. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin mũi 3 là hết sức cần thiết nhằm tăng hiệu lực bảo vệ, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2, nhất là trước những biến thể nguy hiểm như Delta hay Omicron.
Bên cạnh tiêm đủ vắc-xin mũi 3, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tiếp tục tuân thủ 5K, hạn chế các hoạt động tập trung đông người, đồng thời chủ động chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhằm PCD hiệu quả bởi người tiêm 3 mũi vắc-xin vẫn có nguy cơ mắc và lây lan cho người khác.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc (0)