Thế giới lo ngại biến chủng mới; châu Âu oằn mình chống dịch
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 94.214.610 ca, trong đó có 2.015.561 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 67.259.576 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 24.808.934 ca và 111.198 ca đang điều trị tích cực.
![]() |
Vaccine đang được triển khai tiêm tại nhiều nước. |
Ngày 15/1, thế giới có tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 112 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 401.170 ca tử vong trong tổng số 24.055.171 ca nhiễm. Đáng chú ý, trong 24 giờ qua, Mỹ tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm mới, ca tử vong và cả số người nhập viện do Covid-19 tăng vọt. Tiếp đến là Ấn Độ với 10.541.760 triệu ca nhiễm và 152.086 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm tại Brazil là trên 8,3 triệu người, trong đó có 207.160 trường hợp tử vong.
Dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn thế giới. Theo tờ Dailymail, các nhà khoa học cho rằng càng có nhiều người mắc Covid-19 thì càng có nhiều biến chủng lây lan mạnh hơn xuất hiện.
Các nhà khoa học đưa ra giả thiết là các biến chủng “siêu Covid” sẽ ngày càng phổ biến khi số ca mắc tăng vọt trên toàn cầu. Nguyên nhân là vì càng nhiều ca mắc thì số người mắc các loại biến chủng hiếm càng nhiều. Các ca mắc biến chủng hiếm này lại tạo cơ hội đặc biệt cho các biến chủng Covid-19 mới và mạnh hơn biến đổi.
Theo Tiến sĩ Trever Bradford thuộc Trung tâm Ung thư Fred Hutchison, các hệ thống miễn dịch yếu giúp virus ở lại lâu hơn trong cơ thể. Trong thời gian đó, hệ miễn dịch tiếp tục chiến đấu với virus. Chiến đấu với hệ miễn dịch đã giúp virus học cách bám trụ lại trong cơ thể tốt hơn.
Nhiều người cũng có quan điểm như ông Bedford. Tiến sĩ Ali Mokdad, nhà dịch tễ học tại Đại học Washington cho rằng khi người bệnh bị nhiễm virus trong thời gian dài thì đó là cơ hội để virus biến đổi trong cùng vật chủ. Theo ông Mokdad, các nhà khoa học nghi ngờ rằng biến chủng B117 ở Anh đã xuất hiện theo cách này.
Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 144 ca mắc mới Covid-19, trong đó có tới 135 ca lây nhiễm cộng đồng. Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất trong hơn 10 tháng qua tại Trung Quốc đại lục. Như vậy, tính đến nay, Trung Quốc đại lục đã có tổng cộng 87.988 ca nhiễm, trong đó 4.635 ca tử vong.
Trước tình hình trên, Trung Quốc đã đưa hơn 20.000 người dân sinh sống ở các làng quanh thành phố Thạch Gia Trang (Shijiazhuang), thủ phủ tỉnh Hà Bắc (Hebei), bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát số ca nhiễm mới gần đây, tới các cơ sở cách ly của nhà nước.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng đang gấp rút xây dựng một trung tâm giám sát y tế tập trung mới quy mô trong khu vực với trên 3.000 giường bệnh tạm thời để cách ly những người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, giới chức tỉnh Hiroshima (Nhật Bản) cho biết tỉnh này sẽ tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 quy mô lớn đầu tiên nhằm làm giảm số ca nhiễm gia tăng nơi đây. Theo đó, có tới 800.000 người đang sinh sống và làm việc ở nhiều vùng của thành phố Hiroshima, nơi cư trú của 1,2 triệu dân, sẽ được xét nghiệm.
Phát biểu trong cuộc họp của một ủy ban thuộc Thượng viện Nhật Bản, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ Nhật Bản, cho biết giới chức nước này đang cân nhắc thực hiện hàng loạt các biện pháp ứng phó dịch bệnh trong trường hợp xấu nhất là số ca nhiễm mới không giảm. Theo ông, có thể có thêm nhiều tỉnh khác được bổ sung vào danh sách các khu vực áp đặt tình trạng khẩn cấp.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc quyết định tiếp tục gia hạn một tháng cảnh báo chú ý đặc biệt về du lịch, áp dụng với tất cả các quốc gia, lãnh thổ trên toàn thế giới cho đến ngày 15/2. Theo đó, bộ trên đề nghị người dân hủy hoặc hoãn du lịch nước ngoài trong thời gian ban cảnh báo chú ý đặc biệt về du lịch.
Công dân Hàn Quốc đang cư trú tại nước ngoài phải tuân thủ các quy tắc vệ sinh, hạn chế ra ngoài, di chuyển, tránh tiếp xúc với người khác nhằm phòng ngừa lây nhiễm Covid-19.
Ngày 23/3/2020, Hàn Quốc lần đầu ban cảnh báo chú ý đặc biệt về du lịch nước ngoài. Sau đó mỗi tháng, nước này lại gia hạn một lần. Đợt gia hạn gần đây nhất có hiệu lực tới ngày 16/1. Nhiều khả năng Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục gia hạn thêm sau ngày 15/2 tùy theo diễn biến dịch Covid-19.
Trong khi đó, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng hơn 30 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện châu lục này là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, đứng sau là Mỹ và Canada với tổng cộng gần 24 triệu ca nhiễm. Trong 24 giờ qua, số ca mắc Covid-19 tại Đức đã vượt 2 triệu người, trong khi số ca tử vong đã lên gần 45.000 ca. Thụy Điển cũng ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 vượt quá 10.000 ca.
Trước tình hình trên, Anh đã đóng cửa biên giới với hơn 10 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Nam Mỹ cùng Bồ Đào Nha do lo ngại nguy cơ lây nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Brazil.
Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo chính phủ nước này sẽ triển khai thực hiện lệnh giới nghiêm toàn quốc vào 18h hằng ngày, bắt đầu từ ngày 16/1 tới, nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Theo đó, ngoại trừ các dịch vụ khẩn cấp, toàn bộ các cửa hàng và dịch vụ đều phải đóng cửa vào thời gian nói trên. Không chỉ vậy, từ ngày 18/1 tới, những người tới từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) sẽ không được phép trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 để nhập cảnh vào Pháp.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)